[UPDATE KẾT THÚC PHIÊN GIAO DỊCH NGÀY 29/05/2024]


Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/05/2024 chỉ số Vn-Index đóng cửa giảm -9.09 điểm (-0.71%) tại 1272.64 điểm với 51.69% số cổ phiếu giảm giá và 36.18% số cổ phiếu tăng giá. Thanh khoản tăng mạnh so với 2 phiên gần kề trước đó nhưng vẫn thấp hơn phiên giảm mạnh ngày 24/05/2024. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng hơn 1656.44 tỷ đồng - có thể thấy rằng từ tháng 09/2023 tới nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục mỗi tháng với giá trị bán khá lớn và hiện vẫn chưa thấy ngừng lại.
 
 

Nhận diện thị trường như nó đang là:

Trước khi đi vào nhận diện thị trường hiện tại để xem hiện tại đang là tăng hay giảm hay đi ngang thì iPro xin chia sẻ với các bạn một chút về Phân tích kỹ thuật để hiểu tại sao iPro luôn nhấn mạnh việc chúng ta nên đi theo việc nhận diện xu hướng của thị trường và hành động đầu tư theo xu hướng đó, thay vì đầu tư theo việc dự báo trước sẽ rủi ro như dưới đây:

Trong phân tích kỹ thuật (technical analysis) thường có rất nhiều trường phái với những tên gọi khác nhau, nhưng sau một thời gian nghiên cứu và ứng dụng thì iPro nhận thấy chung quy lại thì chỉ có 2 trường phái đó là:

  • Dự báo: Dự báo thì có rất nhiều lý thuyết để hướng dẫn nhưng lý thuyết iPro thấy hay nhất vẫn là Sóng Elliott (Nguyên tắc sóng Elliott). Nhưng để hiểu được sóng Elliott thì các bạn phải hiểu được bản chất của các công cụ kỹ thuật trước vì nếu không sẽ dễ áp dụng sai về lý thuyết này và bị cuốn vào việc dự báo với độ tin cậy thấp. Ngược lại cũng nhờ từ lý thuyết sóng Elliott bạn sẽ biết cách sử dụng các công cụ kỹ thuật một cách hợp lý cho từng trường hợp hơn như Đường xu hướng (Trendline), Kênh giá (Channel line), Mẫu hình giá (Chart pattern)... đặc biệt là Fibonacci (Fibonacci Retracement, Fibonacci Extension...). Đây là lý thuyết mang tính ứng dụng với một thị trường hoàn hảo nên khi áp dụng ở Việt Nam với một thị trường còn nhiều hạn chế để thể hiện được sự tự nhiên của cung cầu thì chúng ta cần một quá trình tự ứng dụng - tự đúc rút - tự điều chỉnh để đưa ra cách áp dụng "linh hoạt" nhất cho từng thời điểm.
  • Follow The Trend: Với trường phái này thì lý thuyết nền tảng là lý thuyết Dow, cái gốc và lõi của nó là xu hướng (Trend). Nhận diện xu hướng từ cái đơn giản nhất là xu hướng tăng (Up trend) thì có đáy và đỉnh sau cao hơn trước và xu hướng giảm (Down trend) thì có đỉnh và đáy sau thấp hơn trước, xu hướng đi ngang (Sideway trend) thì có các đỉnh gần bằng nhau và các đáy gần bằng nhau. Để việc nhận diện xu hướng tốt hơn thì các nhà phân tích kỹ thuật sẽ áp dụng thêm các công cụ kỹ thuật kèm theo như Nến (Candlestick), Đường xu hướng (Trendline), Đường trung bình động (Moving Average), Chỉ báo kỹ thuật (Indicator), Mô hình giá (Chart pattern), Kháng cự & Hỗ trợ (Resistance & Support)... để nhận diện rõ hơn và tăng độ tin cậy hơn của xu hướng. Nhận diện khi nào Xu hướng bắt đầu - Thực hiện Mua vào - Đi theo xu hướng (Follow The Trend) - Nhận diện kết thúc xu hướng và Chốt lời. Vậy thôi. Đơn giản nhưng rất hiệu quả và khó thực hành. Lý do khó thực hành không phải kiến thức khó học hay gì cả mà vì "tâm lý đầu tư" và khi iPro training cho các nhà đầu tư thì hay thấy mọi người bị rối trong việc ráp các công cụ kỹ thuật lại thành một phương pháp, điển hình là thường lấy Chỉ báo (Indicator) làm trọng tâm hoặc Nến (Candlestick) làm trọng tâm trong khi cái trọng tâm và lõi chính là Xu hướng (Trend).


Và nhìn sâu hơn, thực hành nhiều hơn nữa thì iPro lại thấy hai phương pháp này về mặt bản chất lại là một, chúng bổ trợ cho nhau, làm nên nhau nhưng để đi vào thì nên bắt đầu bằng một cái làm gốc thì cái gốc đó vẫn là Xu hướng (Trend). Đa số chúng ta hay có thói quen dự báo và thích thú với việc làm nhà tiên tri, nhưng đó là khả năng đặc biệt và cần phải trải qua một hành trình trải nghiệm và đúc rút lâu dài. Kể cả chương trình CMT cũng khuyến khích là nhận diện và tận dụng xu hướng chứ không nên đầu tư chỉ dựa vào việc dự báo.


Quay lại với nhận diện hiện tại thị trường đang như thế nào, như biểu đồ chỉ số Vn-Index dưới đây các bạn có thể thấy - tính từ bài viết gần nhất iNote 24/05/2024 tới nay thì thị trường đã có sự hồi tăng lên 2 phiên liên tiếp nhưng thanh khoản thấp và vẫn chưa vượt qua được vùng đỉnh cũ và ngày hôm nay thị trường quay đầu giảm điểm đóng cửa với cây nến đỏ đặc, điểm đóng cửa gần mức thấp nhất, khối lượng giao dịch tăng và đặc biệt là trong phiên có lúc tăng lên điểm số cao nhất cũng chỉ chạm vùng đỉnh cũ trước đó và liền sau đó quay đầu giảm trở lại. Từ những điều đó cho thấy thị trường đang thể hiện áp lực bán tại vùng đỉnh cũ này và cần theo dõi sát thời gian tới.

Nhìn rộng hơn có thể thấy thị trường hiện tại có xu hướng trung hạn đi ngang, cũng dễ hiểu vì sau khi gãy đường xu hướng sóng tăng trung hạn trước đó vào ngày 15/04/2024 thì thị trường cũng đã xác nhận xu hướng tăng trung hạn đó không còn và chuyển qua một xu hướng khác - và với quan sát tới hiện tại thì xu hướng mà thị trường đang vận hành chính là xu hướng trung hạn đi ngang. Nhìn sâu vào xu hướng trung hạn đi ngang này có thể thấy có các sóng thành viên với sóng giảm đầu tiên có 3 sóng nhỏ a-b-c và sau đó sóng hồi tăng tiếp theo có 3 sóng thành viên là a-b-c với điểm kết thúc của sóng c này chạm ngay vùng đỉnh cũ trước đó.

Hiện tại, sau khi đạt đỉnh sóng nhỏ vào ngày 20/05/2024 tại điểm cao nhất là 1285.19 điểm thì tới nay đã diễn ra 7 phiên giao dịch liên tiếp nhưng chỉ số vẫn giằng co rất sát vùng đỉnh này - không vượt qua nhưng cũng không cho dấu hiệu đảo chiều tại đây. Với 7 phiên giao dịch giằng co này có thể kết luận xu hướng sóng nhỏ đang đi ngang.

Như vậy, nhận diện hiện tại thị trường gồm:

  • Xu hướng trung hạn đi ngang.
  • Xu hướng ngắn hạn tăng nhưng đang tiếp cận vùng kháng cự đỉnh cũ và sóng nhỏ đi ngang giằng co mạnh rất sát vùng đỉnh cũ này.
  • Lưu ý: các sóng nhỏ là sóng thành viên của sóng ngắn hạn và các sóng ngắn hạn là sóng thành viên của sóng trung hạn.
 


Dự báo các hướng đi tiếp theo có thể xảy ra đối với thị trường chung

Và iPro cũng đã đưa ra các kịch bản dự báo hướng dịch chuyển của thị trường trong thời gian tới như trong bài iNote 24/05/2024 - các bạn có thể xem lại Tại đây. Việc dự báo chỉ mang tính chất tham khảo để dễ hình dung ra các hướng đi tiếp theo có thể xảy ra đối với thị trường và iPro vẫn khuyến khích các bạn chỉ nên đầu tư dựa vào nhận diện thực tại của thị trường như đó đang là và hành động dựa vào đó chứ không nên đầu tư dựa vào việc dự báo vì rủi ro của việc dự báo sẽ rất cao.
 


Update tới hết phiên giao dịch hôm nay thì thị trường đã hồi tăng lên như iPro có vẽ trong biểu đồ dự báo nhưng việc thị trường sẽ đi theo kịch bản nào vẫn chưa xác nhận và cần quan sát thêm, trong đó cần lưu ý một số ý chính như sau:
  • Nếu như thị trường tăng mạnh vượt đỉnh cũ thì kịch bản 1 sẽ xảy ra. Tuy nhiên chúng ta cần nhận diện sâu hơn về cách vượt đỉnh của thị trường như Nến đóng cửa, thanh khoản, độ rộng tăng giá, sự đồng pha của nhóm cổ phiếu thị trường và các chỉ số Vn30 và Hnx.
  • Nếu như thị trường giảm xuyên thủng đáy sóng nhỏ được tạo vào ngày 24/05/2024 tại 1250.28 điểm thì kịch bản 2 hoặc kịch bản 3 sẽ xảy ra. Và chúng ta cần quan sát kỹ cách vận hành sau đó của Chỉ số Vn-Index, thanh khoản, độ rộng thị trường, sự đồng pha của nhóm cổ phiếu thị trường và các chỉ số Vn30 và Hnx... để nhận diện kịch bản 2 hay 3 đang diễn ra.


iPro cũng xin nhắc lại về khuyến nghị nhà đầu tư tại thời điểm này như sau:

Nhà đầu tư nên làm gì trong thời điểm này?
  • Từ những nhận diện trên, iPro khuyến khích nhà đầu tư chỉ nên giải ngân (nếu có) với tỷ trọng vốn thấp (từ 30% trở xuống) và nên chọn những cổ phiếu có câu chuyện riêng (tăng trưởng KQKD, câu chuyện ngành...) và KHÔNG NÊN giải ngân tiền vay (margin), tỷ trọng vốn cao, cổ phiếu thị trường ở giai đoạn nhạy cảm hiện tại. Nếu đang ở trong tình trạng này thì nên cơ cấu để đưa về tỷ trọng vốn bằng tiền mặt từ 30% trở xuống và quan sát thêm.
  • iPro sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thị trường trong thời gian tới, trong đó nếu:
    • Kịch bản 1 xảy ra: Tập trung vốn cao và đầu tư vào các cổ phiếu thị trường vì nước lên thuyền lên. Tuy nhiên, cần có năng lực để nhận diện những cổ phiếu "mạnh hơn thị trường" để tham gia và tránh xa những cổ phiếu "yếu hơn thị trường" vì nếu thị trường vào sóng tăng mà cổ phiếu không tăng thì chứng tỏ "ẩn bên trong" sẽ có câu chuyện rủi ro mà chưa được rỏ rỉ ra.
    • Kịch bản 2 xảy ra: Đứng ngoài và chờ đợi những giai đoạn thị trường bán tháo để tích lũy 30% cho vùng mua số 1 và 40% cho vùng mua số 2 khi đảo chiều vào sóng tăng và 30% luôn duy trì để có thể chủ động lướt sóng hàng có sẵn, đảm bảo tư duy "Luôn có tiền để mua và luôn có hàng để bán" - bạn có thể đọc bài viết về tư duy này Tại đây.
    • Kịch bản 3 xảy ra: Lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện riêng như KQKD, câu chuyện ngành... nhưng cần đảm bảo xu hướng trung và dài hạn của cổ phiếu phải tăng.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết. Chúc bạn đầu tư luôn trong trạng thái an vui và vững bền!