NÊN LÀM GÌ KHI BẠN ĐANG PHẢI "GỒNG LỖ"?

-------------------***-------------------

Bạn thân mến,

Cách đơn giản nhất là đừng gồng nữa. Trước tiên, hãy tách mình ra khỏi cảm giác căng thẳng, sau đó mới tìm giải pháp để xử lý khoản lỗ. Nghe có vẻ đơn giản, và thực sự đúng là như vậy. Bởi vì "gồng" chỉ là trạng thái tâm lý, chứ thực tế bạn đâu có phải mang vác gì trên vai.

Tâm trí có một trò chơi quen thuộc: phóng đại vấn đề và dẫn bạn vào những vòng lặp suy nghĩ không hồi kết. Càng nghĩ, bạn càng lo lắng, càng sợ hãi. Để thoát khỏi vòng lặp này, hãy tìm một nơi yên tĩnh, thư giãn, và viết ra toàn bộ những điều bạn đang lo lắng. Hãy thử xem, liệu bạn có viết ra được quá 10 gạch đầu dòng không? Có thể bạn sẽ nhận ra rằng, những nỗi sợ của mình không thực sự cụ thể như bạn nghĩ.


Bước 1: Xác định thực sự bạn đang lo lắng điều gì? Hãy cầm bút lên và viết ra:

  • Điều gì khiến bạn lo lắng nhất?

  • Bạn có chắc rằng điều đó sẽ xảy ra không? (Nếu không chắc, thì nó vẫn chỉ là xác suất 50-50)

  • Nếu sự lo lắng đó xảy ra, tác động của nó thực sự lớn đến mức nào?

Lúc này, hãy nhìn lại những gì bạn đã viết. Bạn sẽ thấy rằng phần lớn những lo lắng của bạn đều dựa trên phán đoán chủ quan, không có gì là chắc chắn cả. Khi nhận ra điều này, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy nhẹ nhõm hơn.


Bước 2: Xác định thực trạng tài khoản của bạn Sau khi đã ổn định tâm lý, hãy chuyển sang phần thực tế: kiểm kê tài khoản đầu tư của bạn. Hãy viết ra chi tiết:

  • Danh mục cổ phiếu bạn đang nắm giữ.

  • Số vốn đã bỏ ra, có sử dụng margin không?

  • Mức lỗ hiện tại (tính theo % và số tiền thực tế).

Sau đó, hãy đặt câu hỏi: "Lo lắng có giúp tài khoản của mình bớt lỗ không?" Câu trả lời là không. Vậy thì lo lắng để làm gì? Điều bạn cần làm không phải là lo lắng, mà là tìm cách xử lý.


Bước 3: Nhìn nhận rủi ro một cách khách quan Hãy viết ra những rủi ro bạn nghĩ có thể xảy ra, sắp xếp theo mức độ từ thấp đến cao. Rồi đặt tiếp câu hỏi: "Liệu đây có thực sự là rủi ro không?" Nếu không chắc chắn, hãy gạch bỏ nó. Nếu có, hãy mô tả chi tiết tác động của nó.

Sau cùng, hãy chấp nhận thực tại. Chấp nhận rằng bạn đang lỗ, chấp nhận rằng bạn đang lo lắng, và chấp nhận rằng rủi ro là một phần của đầu tư. Nhưng chấp nhận không có nghĩa là buông xuôi, mà là để bạn có thể đối mặt với vấn đề một cách sáng suốt nhất.


Bước 4: Giải quyết vấn đề – Trước mắt và lâu dài Giải quyết vấn đề cần có hai bước: xử lý trước mắt và xử lý tận gốc. Nếu chỉ tập trung vào giải quyết tạm thời, bạn sẽ rơi vào vòng lặp "gồng lỗ" hết lần này đến lần khác.

Xử lý trước mắt:

  • Nếu bạn đang full-margin: Hãy quan tâm đến khoản vay trước thay vì cổ phiếu. Cách tốt nhất là giảm margin về mức an toàn bằng cách nạp thêm tiền hoặc bán bớt cổ phiếu.

  • Nếu bạn đang cầm cổ phiếu tốt (doanh nghiệp làm ăn ổn định, không dính "drama") bằng tiền mặt: Hãy giữ bình tĩnh. Thị trường có chu kỳ, quan trọng là bạn không bị loại khỏi cuộc chơi. Nếu có tiền, bạn có thể tích lũy thêm ở những nhịp giảm mạnh.

  • Nếu bạn đang cầm cổ phiếu kém chất lượng: Hãy tìm cách thoát khỏi nó. Nhưng trước khi bán, hãy nhờ chuyên gia đánh giá lại xem nó thực sự xấu đến mức nào. Nếu đã xác định là xấu, bán càng sớm càng tốt.


Xử lý tận gốc:

  • Tại sao bạn rơi vào tình trạng này? Là do bạn chưa có kế hoạch đầu tư rõ ràng? Là do bạn bị cảm xúc chi phối? Hay do bạn đầu tư theo người khác?

  • Nếu không tìm ra nguyên nhân gốc rễ, lần sau bạn vẫn sẽ tiếp tục "gồng lỗ".


Tư duy đúng sẽ dẫn đến hành động đúng Thị trường luôn có cơ hội, nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng, bạn sẽ không nhìn thấy chúng. Điều quan trọng không phải là cố gắng gỡ gạc, mà là xây dựng một hệ thống đầu tư đúng đắn để tránh lặp lại sai lầm.


Hãy nhớ rằng: "Thua lỗ không đáng sợ, đáng sợ là không học được gì từ nó."