Luôn có tiền để MUA, luôn có hàng để BÁN
- 03/11/2023
- 0 Bình luận
Bạn thân mến,
Đây là bài viết chia sẻ về kinh nghiệm thực chiến trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam của iPro sau hơn 13 năm tự mình đầu tư, tư vấn cho khách hàng, đào tạo các chuyên gia tư vấn và khách hàng cho công ty Chứng khoán. Bạn có thể theo dõi các thông tin của iPro khác qua các kênh sau:
Đây là bài viết chia sẻ về kinh nghiệm thực chiến trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam của iPro sau hơn 13 năm tự mình đầu tư, tư vấn cho khách hàng, đào tạo các chuyên gia tư vấn và khách hàng cho công ty Chứng khoán. Bạn có thể theo dõi các thông tin của iPro khác qua các kênh sau:
Sẽ có nhiều cách đầu tư/giao dịch chứng khoán thành công và nó sẽ phù hợp cho mỗi nhà đầu tư. Sẽ chẳng có công thức nào để bạn có thể cứ thế mà áp dụng là có được tiền. Ở đây, chúng tôi chia sẻ cho bạn thêm một một tư duy hiệu quả từ chính kinh nghiệm của iPro trong quá trình tham gia tự đầu tư trên thị trường Chứng khoán Việt nam và nó chỉ là một tư duy để bạn tham khảo trong quá trình hình thành tư duy và xây dựng phương pháp giao dịch hiệu quả của chính mình.
Đi từ thực tế chúng tôi quan sát thấy, phần lớn nhà đầu tư cá nhân sẽ luôn duy trì ở một trong hai trạng thái “full tiền” hoặc “full hàng”, họ all-in toàn bộ vào một trạng thái với tâm thế “được ăn cả, ngã về không”, có thể họ chưa nhận thức được điều đó, nhưng những hành động của họ đa số là lựa chọn điểm mua và cố gắng mua tối đa số tiền có thể mua (bao gồm cả tiền mặt họ có và cả tiền vay thêm của CTCK - Margin) và đó cũng là nguyên nhân chính làm cho nhà đầu tư tự đưa mình vào thế bị động. Nếu như mua vào đúng đỉnh của cổ phiếu và sau đó cổ phiếu giảm thì trạng thái tài khoản sẽ bị lỗ và chuyển từ trạng thái tin tưởng về việc mua là thắng sang trạng thái lo lắng và gồng lỗ và chính trạng thái này làm cho nhà đầu tư sẽ bị động và bị dẫn dắt bởi sự tăng giảm của cổ phiếu/thị trường. Lúc này đây, cuộc chiến về tâm lý sẽ diễn ra và phần lớn là sẽ không vượt qua được sự tiêu cực và đành phải “cắt lỗ” để chuyển qua all-in cổ phiếu khác và cứ thế lại tiếp diễn.
Có thể hành động đó xuất phát từ việc họ tin tưởng tuyệt đối vào điểm mua và cổ phiếu mình mua hoặc họ sợ mất đi cơ hội nếu không mua thì cổ phiếu đó sẽ tăng mất hoặc xuất phát từ việc kỳ vọng khoản lợi nhuận lớn nếu như dồn toàn bộ nguồn tiền (bao gồm tiền mặt và tiền vay) để mua.
Thế nhưng, đó lại là biểu hiện của một nhà đầu tư thất bại. Bạn có vậy không? Bao nhiêu lần bạn all-in vào một cổ phiếu/một danh mục cổ phiếu để rồi khi cổ phiếu không tăng đúng như kỳ vọng, bạn bị kẹt vào thế gồng lỗ và chờ đợi trong tâm lý lo lắng và sợ hãi. Đã khi nào bạn mua một cổ phiếu đến đồng vốn cuối cùng và sử dụng luôn tiền vay của CTCK (Margin) để mua tiếp cho đến khi hết hẳn sức mua và rồi bị rơi vào trạng thái bị bán giải chấp và lỗ kép đã làm cho tài khoản của bạn gần như tan nát?
Thực ra, nhận diện được những gì bạn đã thực hiện trong quá khứ một cách nghiêm túc và dành thời gian để chiêm nghiệm và đúc kết cho bản thân mình những bài học thì số tiền bạn mất đó sẽ trở thành tiền học phí vì lúc đó bạn mất tiền nhưng vẫn thu được một bài học đáng giá, chỉ là nó hơi đắt. Còn nếu bạn vẫn quay cuồng với cách làm như cũ và không dừng lại để nhận diện vấn đề và học hỏi từ những sai lầm đó thì số tiền bạn mất trong thời gian qua nó không có một tác dụng gì và dù 5 hay 10 năm nữa, bạn sẽ vẫn thế. Đúng như bài Đừng mong chờ kết quả mới nếu bạn cứ lặp đi lặp lại cách làm cũ mà iPro đã từng chia sẻ.
Quay lại với tiêu đề “Luôn có tiền để MUA, luôn có hàng để BÁN” như chúng tôi chia sẻ ở trên, nó chính là một phương pháp tham gia thị trường ở vị thế làm chủ cuộc chơi, iPro sẽ chia sẻ sâu hơn cho bạn ở từng vế
Đầu tiên là “Luôn có tiền để MUA”
Hãy hình dung, nếu như bạn dùng toàn bộ số tiền để mua một lần vào cổ phiếu, sau đó cổ phiếu giảm thì bạn sẽ thường có mong ước gì? Có phải là:
Ước gì kiên nhẫn chờ thêm thì mua được giá tốt hơn rồi
Ước gì bây giờ có thêm tiền mình mua thêm cổ phiếu này vì giờ vừa có giá rẻ, vừa bình quân được giá vốn
Ước gì giờ có tiền để mua cổ phiếu khác vì thấy cơ hội này tốt hơn rất nhiều
…
Bạn sẽ ước nhiều trường hợp, nhưng chung quy lại là bạn đang bị kẹt vốn ở điểm mua đầu tiên vào cổ phiếu đó và giờ bạn đang muốn có thêm tiền để thực hiện điều ước trên.
Vậy hãy hình dung nếu như bạn chỉ mua một phần tiền cho điểm mua đầu tiên vào cổ phiếu đó, phần còn lại vẫn nằm trong tài khoản thì có phải bạn sẽ có thể mua thêm cổ phiếu đó nếu như nó giảm mạnh sau đó (đương nhiên là cổ phiếu đó cần phải có ít nhất là xu hướng trung hạn tốt, an toàn và có triển vọng) hay bạn cũng có thể dùng số tiền đó để tham gia vào một cơ hội khác tốt hơn sau đó.
Thường thì theo iPro thấy, đa số những nhà đầu tư áp dụng cách này đều luôn ở tâm thế thoải mái, kể cả khi cổ phiếu mình mua xong giảm giá đi nữa, và đôi khi họ còn mong chờ cổ phiếu giảm thêm để có thể mua được giá thấp hơn. Nhiều nhà đầu tư còn sử dụng tên gọi cho cách này là “ném đá dò đường”. Còn iPro cho rằng, đây là một cách khá hữu ích để bạn có thể chủ động trong cuộc chơi của mình khi tham gia vào thị trường Chứng khoán Việt Nam.
Tiếp đến là “Luôn có hàng để BÁN”
Điểm đặc biệt ở Thị trường Chứng khoán Việt Nam là việc bạn mua xong thì tận tới 2 ngày sau bạn mới có thể bán được cổ phiếu của mình, nhưng biến động tăng giảm của cổ phiếu lại đôi khi diễn ra rất mạnh trong chính 2 ngày đó. Vậy chúng ta thử tiếp tục hình dung cho hành trình như chia sẻ trên, đó là bạn đã mua cổ phiếu ở điểm mua đầu tiên (điểm mua số 1), nhưng sau đó cổ phiếu giảm và bạn lại tiếp tục thực hiện điểm mua số 2 thấp hơn điểm mua số 1. Sau đó cổ phiếu có sự hồi tăng lên với giá cao hơn điểm mua số 2 nhưng lại thấp hơn điểm mua số 1 và lúc này bạn sẽ bán phần cổ phiếu đã mua ở điểm mua số 2 ra để giảm tỷ trọng cổ phiếu của bạn xuống và tăng tỷ trọng tiền mặt của bạn lên và thu được một khoản lợi nhuận đáng kể với sự chênh lệch giá từ điểm bán tới điểm mua số 2. Trên thực tế, bạn đang dùng cổ phiếu ở điểm mua số 1 để ứng bán cho cổ phiếu mà bạn mua ở điểm mua số 2, vậy thì bạn cần chờ cổ phiếu ở điểm mua số 1 về tới tài khoản để có thể bán được thì mới thực hiện mua điểm mua số 2.
Tuy nhiên, đó là việc mua điểm mua số 2 xong thì cổ phiếu của bạn có sự hồi tăng sau đó, còn nếu như nó không hồi tăng mà nó giảm tiếp thì sao? Bạn có thể thực hiện stop-loss (cắt lỗ) ngay lập tức sau đó bằng việc ứng số cổ phiếu bạn mua ở điểm mua số 1 để bán ngay sau khi mua điểm mua số 2 bị sai và đưa tài khoản của bạn về trạng thái có tỷ trọng cổ phiếu thấp và tỷ trọng tiền mặt cao và với trạng thái này bạn có thể thoải mái tiếp tục theo dõi hướng dịch chuyển của cổ phiếu sau đó.

Chúng ta không thể mua đúng đáy vậy nên chúng ta cần có vùng mua và cách giải ngân hợp lý để kiểm soát các rủi ro. Đó là cốt lõi để chúng ta phải ở vị thế “Luôn có tiền để MUA, luôn có hàng để BÁN”. Giới hạn trong bài viết này, iPro chỉ chia sẻ một cách cơ bản và có phần sơ sài về tư duy này, hy vọng đâu đó sẽ góp thêm thông tin tham khảo thêm cho nhà đầu tư trên hành trình Trở thành nhà giao dịch chứng khoán chuyên nghiệp của mình.