DAILY BRIEF 20.05.2024 - MSN, MSB, KBC, PLX, DRC, SAB, CTD, BMP, PVD, KBC
- 21/05/2024
- 0 Bình luận
TỔNG HỢP ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ CỔ PHIẾU CỦA CÁC CTCK NGÀY 20.05.2024
- SSI cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu MSN. Duy trì giá mục tiêu đối với cổ phiếu là 84.800 đồng/cp.
- SSI cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu MSB. Hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP và chuyển cơ sở định giá đến giữa năm 2025 với giá mục tiêu 1 năm là 16.200 đồng/cp.
- SSI cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu KBC. Duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu là 34.400 đồng/cp.
- SSI cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu PLX. Hạ khuyến nghị từ Khả quan xuống TRUNG LẬP và duy trì giá mục tiêu là 40.800 đồng/cp.
- SSI cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu DRC. Khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu 1 năm là 34.100 đồng/cp.
- SSI cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu SAB. Duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP và tăng giá mục tiêu 1 năm lên 65.400 đồng/cp.
- ACBS cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu CTD.
- VND cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu BMP. Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 126.000 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 9,4% tỷ suất cổ tức 10,4%.
- VND cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu PVD. Hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP và giữ nguyên giá mục tiêu là 36.800 đồng/cp.
- MBS cập nhật và đánh giá KQKD cổ phiếu KBC. Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu là 39.200 đồng/cp.
Dưới đây là bài tổng hợp khuyến nghị của các công ty Chứng khoán, iPro không đưa ra với mục đích khuyến nghị mua/bán. Mọi thông tin chi tiết về điểm mua/bán phù hợp xin vui lòng liên hệ Tư vấn trực tuyến của iPro.
Bạn có thể theo dõi thêm các thông tin của iPro qua các kênh sau:
▶️ iPro-Youtube: Tại đây
▶️ iPro-Tiktok: Tại đây
▶️ iPro-Learning by Sharing: Tại đây
▶️ iPro-Youtube: Tại đây
▶️ iPro-Tiktok: Tại đây
▶️ iPro-Learning by Sharing: Tại đây
SSI - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN SSI
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN MASAN (MSN:HOSE)
Cập nhật các biễn biến gần đây
CTCP MaSan High - Tech Materials (MSR: Upcom) mới đây đã công bố đạt được thỏa thuận khung với Mitsubishi Material Corporation Group - MMC (hiện sở hữu 10% cổ phần của MSR), theo đó MMC sẽ mua lại 100% cổ phần của H.C Stark (một công ty con thuộc 100% sở hữu của MSR) trong thời gian tới. Theo thỏa thuận, MSR dự kiến sẽ giữ lại 15% cổ phần hiện tại tại Nyobolt, một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Lithium-ion sạc nhanh (có trụ sở tại Vương Quốc Anh). Trước đó vào năm 2020, MSR đã chi 29,1 triệu USD để mua thêm 49% cổ phần của H.C Stark.
Định giá của thương vụ này chưa được công bố. Tuy nhiên, theo công ty, số tiền thu được sẽ giúp MSR giảm đòn bẩy và MSR có thể ghi nhận khoản thu nhập bất thường vào năm 2024. Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn Masan (MSN: HOSE) trong năm là giảm đòn bẩy tài chính, nhằm đưa EV/EBITDA từ 4,1x vào cuối Q1/2024 xuống dưới 3,5x. Tính tại thời điểm cuối Q1/2024, dư nợ của MSN là 55,8 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ của MSR là 16 nghìn tỷ đồng.
Về CTCP Hàng tiêu dùng MASAN (MCH: Upcom), tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 25/4, công ty sẽ chuyển sang sàn HOSE trong năm 2024 và kế hoạch chào bán cổ phiếu MCH là một trong số các phương án tăng vốn của Tập đoàn Masan. Trước khi chuyển sang HOSE, một đề xuất ủy quyền cho ban lãnh đạo MCH xem xét kế hoạch trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt sử dụng lên tới toàn bộ lợi nhuận giữ lại tính đến cuối năm 2023 và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2024 đã được phê duyệt tại ĐHCĐ thường niên tổ chức vào ngày 25/4/2024. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong vòng 1 tháng kể từ ngày họp ĐHCĐ (tức là trước ngày 25/5). Theo báo cáo tài chính của MCH, lợi nhuận giữ lại cuối năm 2023 đạt 16 nghìn tỷ đồng, theo đó, mức cổ tức được chia tối đa là 23.500 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, MSN là cổ đông lớn nhất của MCH với tỷ lệ sở hữu 72%. MCH đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 15-20% vào năm 2024, dựa trên triển vọng tiêu dùng phục hồi và khả năng R&D mạnh. Chúng tôi hiện ước tính doanh thu và LNST năm 2024 của MCH lần lượt là 31,9 nghìn tỷ đồng (+13,4% svck) và 7,83 nghìn tỷ đồng (+10,3% svck), theo giá đóng cửa ngày hôm nay, MCH đang giao dịch với hệ số P/E năm 2024F là 16x, là mức khá hấp dẫn đối với một công ty tiêu dùng, nhất là khi xét đến yếu tố tăng trưởng.
Chúng tôi vẫn duy trì giá mục tiêu hiện tại đối với cổ phiếu MSN là 84.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá 12% so với giá đóng cửa ngày hôm nay).
NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN HÀNG HẢI VIỆT NAM (MSB:HOSE)
Chi phí dự phòng cao cản trở tăng trưởng lợi nhuận
Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP đối với cổ phiếu MSB và chuyển cơ sở định giá đến giữa năm 2025 với giá mục tiêu 1 năm là 16.200 đồng/cp, tiềm năng tăng giá là 13%. Chất lượng tài sản vẫn là tâm điểm chú ý của chúng tôi (đặc biệt là từ các khoản cho vay bán lẻ, bao gồm cả cho vay mua nhà và thẻ tín dụng). Vì thế, chúng tôi cho rằng năm 2024 và 2025 sẽ là thời điểm thích hợp để MSB xử lý dần các khoản nợ xấu với việc trích dự phòng cao hơn. Do đó, chúng tôi cho rằng lợi nhuận trước thuế sẽ không tăng trưởng mạnh trong thời gian này và ROE sẽ dao động quanh mức 15%. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tín hiệu phục hồi sẽ rõ nét hơn bắt đầu từ năm 2025 nhờ NIM phục hồi, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn và chi phí tín dụng giảm.
Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng khách hàng doanh nghiệp sẽ là động lực chính để MSB đạt được mức tăng trưởng tín dụng 16,8% so với đầu năm đạt 176 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Với dự báo MSB sẽ xử lý 1,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2024, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống 2,7% cùng với chi phí tín dụng là 1,26% và LLCR là 56,1%. NIM có thể sẽ chịu áp lực trong năm 2024 do MSB đang phải giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Do đó, chúng tôi ước tính NIM năm 2024 đạt 3,72% (-38 điểm cơ bản svck và +6 điểm cơ bản so với Q1/2024). Thu nhập ròng ngoài lãi dự kiến sẽ tăng trở lại 20,8% svck do lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tăng mạnh (+25% svck) và thu từ nợ đã xử lý là 802 tỷ đồng. Nếu loại khoản thu nhập bất thường từ bancassurance, NFI ước tính giảm 14,9% svck đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (+11,8% svck) cho năm 2024.
Trong năm 2025, việc tín dụng phục hồi (+18% so với đầu năm đạt 207,7 nghìn tỷ đồng) sẽ giúp NIM nới rộng đạt mức 3,8% (+8 bps svck). Với việc MSB tích cực xử lý nợ xấu trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống mức 2,5% trong năm 2025, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên mức 72,5%. Chúng tôi cũng cho rằng chi phí tín dụng dự kiến ở mức 1,23% trong năm 2025. Thu nhập ròng ngoài lãi dự kiến giảm 5,3% svck với giả định thu nhập từ kinh doanh ngoại hối sẽ không tăng mạnh như năm 2024. Theo đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 7,5 nghìn tỷ đồng (+15,3% svck) cho năm 2025.
Quan điểm ngắn hạn: Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 6% so với đầu năm trong tháng 4/2024 (+1,3% so với tháng trước) cùng với việc MSB đã phát hành thêm 2,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 3,9% sẽ cải thiện NIM trong Q2/2024. Ngoài ra, khoản 800 tỷ đồng thu từ nợ xấu đã xử lý trong tháng 4/2024 sẽ hỗ trợ thêm lợi nhuận cho MSB trong Q2/2024.
Yếu tố hỗ trợ khuyến nghị:
- Tăng trưởng tín dụng mạnh hơn giúp NIM giảm ít hơn dự kiến.
- Chất lượng tài sản tốt hơn dự kiến.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị:
- NIM giảm nhanh hơn dự kiến.
- Tỷ lệ nợ xấu cao hơn làm tăng gánh nặng dự phòng.
TỔNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KINH BẮC (KBC:HOSE)
Số dư tiền mặt lớn từ tiền đặt cọc tạo cơ hội đầu tư cho các dự án hiện tại
Số dư tiền mặt tăng đột biến: KBC có 6,24 nghìn tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tiền gửi ngắn hạn cuối Q1/2024, tăng gần 5,4 nghìn tỷ đồng so với Q4/2023 nhờ vào tiền đặt cọc của dự án Khu đô thị Tràng Cát (thông qua hợp đồng môi giới bất động sản với một nhà cung cấp dịch vụ môi giới). Chúng tôi dự đoán số tiền đặt cọc này có thể được sử dụng để thanh toán chi phí sử dụng đất cho các diện tích thương mại tăng thêm theo quy hoạch sửa đổi của dự án Khu đô thị Tràng Cát. Dự án Khu đô thị Tràng Cát có tổng diện tích đất gần 585 ha tại Hải Phòng, trong đó có 282,14 ha là đất ở và thương mại. KBC đã lấy dự án Khu đô thị Tràng Cát làm tài sản thế chấp để vay vốn đầu tư từ năm 2013 và hiện đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi mở bán.
KQKD Q1/2024: KBC công bố doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng (-93,1% svck & -82% so với quý trước) và lỗ ròng 76,7 tỷ đồng, so với lợi nhuận ròng cao trong Q1/2023 và Q4/2023. Việc thiếu đi khoản thu từ cho thuê đất KCN (được ghi nhận trong Q1/24) là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lợi nhuận kém khả quan này.
Ước tính lợi nhuận: Trong năm 2024, theo kịch bản cơ sở, chúng tôi dự báo KBC sẽ cho thuê tổng cộng khoảng 102 ha đất KCN, trong đó 30 ha được các nhà đầu tư mới thỏa thuận thuê trong năm 2023, 50 ha từ KCN Tràng Duệ 3 và 22 ha từ KCN Tân Phú Trung. Theo đó, chúng tôi dự báo KBC sẽ đạt 4,92 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (-12,8% svck) và 1,36 nghìn tỷ đồng LNST (-38,5% svck) trong năm 2024.
Trong kịch bản kém khả quan, khi KBC nhận được phê duyệt đầu tư cho KCN Tràng Duệ 3 vào cuối năm 2024 để bắt đầu cho thuê trong năm 2025, chúng tôi ước tính KBC có thể chỉ cho thuê 52 ha trong năm 2024 thay vì 102 ha như trong kịch bản cơ sở. Theo đó, chúng tôi ước tính doanh thu và LNST năm 2024 lần lượt đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (-45% svck) và 839 tỷ đồng (-62,2% svck).
Trong năm 2025, KBC dự kiến sẽ hoàn tất thanh toán tiền sử dụng đất cho dự án Khu đô thị Phúc Ninh và bắt đầu triển khai mở bán các cụm công nghiệp khác nhau ở tỉnh Hưng Yên. Theo đó, chúng tôi ước tính KBC có thể cho thuê 155 ha (50 ha từ KCN Tràng Duệ 3 (Hải Phòng), 50 ha từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (tỉnh Bắc Ninh), 30 ha từ cụm công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên) và ghi nhận 7,62 nghìn tỷ đồng doanh thu (+54,8% svck) và 2,03 nghìn tỷ đồng LNST (+48,9% svck).
Ở mức giá 30.800 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu KBC giao dịch ở mức P/E 2024 là 19,3x và P/B là 1,2x. Kết quả kinh doanh của KBC phụ thuộc rất nhiều vào việc phê duyệt đầu tư của các dự án mới. Do đó, với tiềm năng tăng giá là 11,7% từ mức giá hiện tại, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu là 34.400 đồng/cổ phiếu.
TẬP ĐOÀN XĂNG DẦU VIỆT NAM (PLX:HOSE)
Lợi nhuận Q1/2024 tăng trưởng mạnh phù hợp với kỳ vọng
Kế hoạch kinh doanh năm 2024: Trong năm 2024, PLX đặt kế hoạch LNTT thận trọng ở mức 2,9 nghìn tỷ đồng, giảm 29% svck. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng KQKD thực tế của PLX thường cao hơn kế hoạch trong 9 năm qua ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Q1/2024 đạt kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ mảng xăng dầu: LNTT tăng 72% svck và 70% so với quý trước đạt 1,44 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch LNTT năm 2024. Đáng chú ý nhất là lợi nhuận gộp tăng đáng kể 31,2% so với cùng kỳ lên mức cao kỷ lục là 4,67 nghìn tỷ đồng nhờ mảng xăng dầu. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng nhẹ 2% so với mức nền tương đối cao trong Q1/2023, đồng thời tăng 2,4% so với quý trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của mảng xăng dầu tăng mạnh 260% svck đạt 1,06 nghìn tỷ đồng nhờ giá xăng dầu tăng khoảng 9% trong quý, giúp công ty hưởng lợi nhờ hàng tồn kho giá rẻ và chu kỳ điều chỉnh giá rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày kể từ cuối năm 2023.
Ước tính lợi nhuận và luận điểm đầu tư
Do lợi nhuận Q1/2024 khá phù hợp với dự báo của chúng tôi nên chúng tôi duy trì ước tính LNTT năm 2024 là 4,4 nghìn tỷ đồng (+12% svck). Chúng tôi duy trì dự báo sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước là 10,76 triệu tấn (+4,1% svck) và sản lượng tiêu thụ nội địa là 2,63 triệu tấn (+4% svck). Trong năm 2025, chúng tôi dự báo LNTT sẽ tăng 6% đạt 4,67 nghìn tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 4% svck.
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu là 40.800 đồng/cổ phiếu dựa trên PE mục tiêu là 16x và ước tính lợi nhuận trung bình năm 2024-2025. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu đã tăng 7,2% kể từ báo cáo gần đây nhất của chúng tôi nên chúng tôi hạ khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống TRUNG LẬP đối với cổ phiếu PLX.
CÔNG TY CỔ PHẦN CAO SU ĐÀ NẴNG (DRC:HOSE)
Cập nhật về thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho lốp xe tải nhập khẩu từ Thái Lan và DRC
Bộ Thương mại Mỹ (DoC) mới đây đã ban hành quyết định sơ bộ về hành vi chống bán phá giá lốp xe tải từ Thái Lan. Thái Lan là quốc gia nhập khẩu lốp xe tải lớn nhất vào thị trường Mỹ chiếm 37% tổng lượng nhập khẩu năm 2022, tiếp theo là Việt Nam với mức đóng góp 10%.
Bộ Thương mại Mỹ xác định mức thuế chống bán phá giá 2,35% đối với lốp xe tải từ Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 47,81% được đề xuất trước đó nên khó có thể ngăn chặn lốp xe tải Thái Lan thâm nhập thị trường Mỹ. Như vậy, tác động tích cực đến DRC có thể không nhiều như dự báo trước đây.
Sau khi ban hành quyết định sơ bộ, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 29/7/2024. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc Tế (ITC) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào 12/9/2024 và phán quyết cuối cùng sẽ được ban hành vào ngày 19/9/2024.
Thị trường Mỹ hiện chiếm 14% tổng doanh thu của DRC. Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (như chúng tôi đề cập trong báo cáo gần đây), điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến DRC, do lốp xe tải của DRC hiện không chịu bất kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nào (AD/CVD). Trong trường hợp có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC giảm bớt khả năng bị áp dụng AD/CVD, vì DRC được phép sử dụng dữ liệu chi phí sản xuất của công ty thay vì sử dụng dữ liệu từ nước thứ ba làm cơ sở đánh giá. Trong khi đó, lốp PCR có xuất xứ Việt Nam chịu thuế AD ở mức 22,27% và thuế CVD ở mức 6,46%. DRC đã tung ra thị trường lốp PCR vào Q2/2023, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ. Nếu DRC giới thiệu lốp loại PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai và nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì có thể giúp DRC né được thuế AD/CVD nếu có trong tương lai.
Hiện tại, chúng tôi dự báo DRC sẽ đạt LNST lần lượt là 286 tỷ đồng (+15% svck) và 344 tỷ đồng (+20% svck) trong năm 2024-2025. Với mức LNST dự kiến như vậy, chúng tôi có khuyến nghị TRUNG LẬP cho DRC, với giá mục tiêu 1 năm là 34.100 đồng/cp.
TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BIA - RƯỢU - NƯỚC GIẢI KHÁT SÀI GÒN (SAB:HOSE)
Dấu hiệu ban đầu của phục hồi
Kết quả Q1/2024 tăng trưởng tốt: SAB công bố doanh thu thuần đạt 7,18 nghìn tỷ đồng (+15,6% svck) và LNST đạt 1,02 nghìn tỷ đồng (+2% svck và +5,9% so với quý trước). Mức tăng LNST so với cùng kỳ thấp hơn một chút so với dự báo của chúng tôi (chúng tôi ước tính LNST tăng 5%). Trong khi chi phí quảng cáo khuyến mại ít hơn chúng tôi dự đoán, thu nhập từ các công ty liên kết (chủ yếu là từ công ty bao bì Crown Sài Gòn và Sabibeco) bị lỗ lớn.
Biên lợi nhuận gộp vẫn ở mức thấp do chi phí đầu vào cao: Biên LN gộp trong Q1/2024 thấp hơn 160 điểm cơ bản so với cùng kỳ và thấp hơn 60 điểm cơ bản so với năm 2023. Trong khi các nguyên liệu giá cao sẽ được sử dụng hết vào cuối năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp năm 2025 dự kiến tăng, SAB cũng nỗ lực cải tiến hiệu quả sản xuất để đẩy biên lợi nhuận gộp năm 2024 cao hơn mức 29,8% của năm trước.
Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng cho năm 2024, theo đó nhu cầu tiếp tục bị ảnh hưởng do lo ngại siết chặt quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, tốc độ thay đổi thói quen của người tiêu dùng chậm hơn và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo doanh thu thuần và LNST năm 2024 lên lần lượt là 32,2 nghìn tỷ đồng (+5,8% svck) và 4,6 nghìn tỷ đồng (+9% svck), nhờ kết quả kinh doanh Q1/2024 tốt hơn dự kiến và giá bán trung bình cao hơn trong vài tháng đầu năm so với cùng kỳ. Các dự báo này lần lượt cao hơn 8,5% và 4% so với dự báo doanh thu và lợi nhuận trước đó của chúng tôi. Chúng tôi cũng đưa ra dự báo doanh thu thuần năm 2025 là 33 nghìn tỷ đồng (+3% svck) và lợi nhuận ròng là 4,97 nghìn tỷ đồng (+7% svck). Chúng tôi giả định rằng biên lợi nhuận gộp năm 2025 sẽ tăng, trong khi chi phí quảng cáo khuyến mại tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ do sự không chắc chắn về tăng trưởng của ngành bia.
Cổ phiếu SAB đang giao dịch ở mức P/E 2024E là 17x, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 22x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP nhưng tăng giá mục tiêu 1 năm lên 65.400 đồng/cổ phiếu, dựa trên sự kết hợp của phương pháp DCF (WACC: 9,53%, tăng trưởng: 2%) và P/E không đổi là 20x (tiềm năng tăng giá là 13%).
Bảng 1: Ước tính lợi nhuận
ACBS - CÔNG TY TNHH CHỨNG KHOÁN ACB
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG COTECCONS (CTD:HOSE)
BCTC hợp nhất quý 3 theo năm tài chính (1/1/2024 - 31/3/2024), CTD ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. CTD ghi nhận doanh thu gần 4.700 tỷ đồng (+49% svck). Đóng góp chính vào doanh thu là mảng xây dựng (99% tổng doanh thu) với 4.659 tỷ đồng (+49% svck), chủ yếu đến từ các dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi LEGO, tổ hợp sản xuất xe điện VinFast ở Hải Phòng (giai đoạn 3) và Ecopark Sky Forest Residences. Sau khi khấu trừ giá vốn, CTD thu về gần 221 tỷ lãi gộp, cao gấp 4 lần con số cùng kỳ năm ngoái là 55,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng 3,0% so với cùng kỳ từ 1,7% lên 4,7% trong quý 3, nhờ đóng góp lớn hơn của các dự án xây dựng công nghiệp (có biên lợi nhuận gộp cao hơn) trong tỷ trọng doanh thu.
Đáng chú ý, CTD ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh đạt 105 tỷ đồng (+375% svck). Trong đó,lợi nhuận HĐKD không cốt lõi được ghi nhận ở mức 58,4 tỷ đồng khi CTD mua lại 1 công ty hoạt động trong mảng cơ điện (M&E) và 1 công ty chuyên thiết kế, lắp đặt hệ thống nhôm kính. Chúng tôi đánh giá thương vụ trên sẽ giúp CTD dần hoàn thiện chuỗi giá trị xây dựng, từ đó sẽ ngày càng cải thiện được biên lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, doanh thu thuần của CTD đạt 14.450 tỷ đồng, (+16% svck) và lãi sau thuế đạt 241 tỷ đồng (+543% svck), hoàn thành 82% và 88% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Tháng 4/2024, CTD đã điều chỉnh tăng các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023/24. Với doanh thu kế hoạch, từ mức ban đầu là 17.793 tỷ đồng lên 20.000 – 20.500 tỷ đồng. Kế hoạch LNST mới tăng từ 274 tỷ đồng lên khoảng 288 – 296 tỷ đồng. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, giá trị giá trị hợp đồng chưa ghi nhận doanh thu (backlog) tính đến thời điểm hiện tại đạt hơn 20.000 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần tổng doanh thu xây dựng trong năm 2022. Chúng tôi đánh giá rằng lượng backlog này sẽ tạo nền tảng tăng trưởng doanh thu vững chắc cho CTD trong những năm tới.
Nhận định nhanh: Chúng tôi kỳ vọng với sự phục hồi của ngành bất động sản nhờ sớm thông qua các luật quan trọng, sẽ kéo theo sự phục hồi chung của cả ngành xây dựng. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI ổn định vào Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng cho các công ty có vốn nước ngoài. CTD với kinh nghiệm và danh tiếng làm việc với các chủ đầu tư nước ngoài lớn sẽ có nhiều cơ hội hơn, minh chứng CTD là nhà thầu duy nhất được LEGO lựa chọn cho siêu dự án trị giá 1 tỷ USD. Trong tương lai, các nguồn thu đến từ mảng bất động sản, xây dựng, hạ tầng sẽ đem lại động lực tăng trưởng cho CTD trong dài hạn.
VND - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VNDIRECT
CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BÌNH MINH (BMP:HOSE)
Chính sách cổ tức hấp dẫn
- Chúng tôi đưa ra khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 126.000 đồng, tiềm năng tăng giá 9,4% tỷ suất cổ tức 10,4%.
- Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2024 sẽ tăng 10% svck lên 1.150 tỷ đồng với mức ROE cao nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản và giá bán BMP sẽ cạnh tranh hơn khi công ty thu hẹp khoảng cách giá bán với các đối thủ cùng ngành.
- Chúng tôi cho rằng BMP xứng đáng được trả mức định giá cao hơn so với ngành (P/B 2024 là 3,3x) khi công ty có ROE cao vượt trội so với các đối thủ trong ngành. Đồng thời, BMP còn có 1 mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn là 10,4%.
Tiêu điểm tài chính
- Doanh thu Q1/24 giảm 30% svck do sản lượng bán hàng giảm 34%. Chúng tôi dự phóng mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2024 đạt 4% nhờ giá bán bình quân ổn định và nhu cầu xây dựng được cải thiện.
- Biên LN ròng tăng vọt từ 5% trong 2021 lên 20% trong 2023 do giá hạt nhựa PVC giảm mạnh trong khi BMP không giảm giá bán ra nhiều.
- LN ròng tăng 50% năm 2023, nhưng chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép chỉ ở mức một chữ số trong vòng ba năm tới trong kịch bản khá thuận lợi về giá đầu vào PVC.
Luận điểm đầu tư
Công ty mẹ của BMP có thể tiếp tục thông qua mức cổ tức tiền mặt cao
Một công ty con của SCG Thái Lan đã mua lại 55% BMP vào năm 2018 và đã thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức gần 100% kể từ năm 2019. Điều này mang lại mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn đạt 10,4% và khả năng cao sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới.
Nhựa xây dựng: Biên lợi nhuận hấp dẫn nhưng lượng cung đang dư thừa
Nhựa xây dựng là ngành có tỷ suất sinh lời cao với biên LN EBITDA thông thường đạt 20%. Biên LN cao cộng với sự khó khăn trong khâu vận chuyển đã dẫn đến tình trạng dư cung lớn lên tới 75%, khiến các doanh nghiệp nhựa xây dựng phải chạy các chương trình giảm giá mạnh mẽ nhằm giành thị phần.
BMP có thể sẽ giành lại thị phần vào năm 2024
Vào cuối Q1/24, thị phần của BMP tăng nhẹ trong bối cảnh giá bán bình quân của BMP không thay đổi svck. Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sản lượng bán hàng của BMP sẽ đạt 6% svck nhờ sự hồi phục của hoạt động xây dựng tại Việt Nam và mức chênh lệch giá so với các đối thủ trở nên thuận lợi hơn.
Biên lợi nhuận có thể sẽ được duy trì ở mức cao vào năm 2024
Giá hạt nhựa PVC giảm 30% svck xuống còn 24 triệu đồng/tấn vào năm 2023, giúp BMP cải thiện biên LN gộp từ 28% lên 41%. Với giá Brent ở mức USD80-USD90/thùng, chúng tôi kỳ vọng giá hạt nhựa PVC sẽ vẫn ở mức thấp cho đến năm 2025.
TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN KHOAN VÀ DỊCH VỤ KHOAN DẦU KHÍ (PVD:HOSE)
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận không thay đổi
- Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống Trung lập với tiềm năng tăng giá 12,9% nhưng vẫn giữ nguyên mức giá mục tiêu. Giá cổ phiếu không thay so với báo cáo gần đây nhất nhưng đã tăng 12% kể từ vùng đáy ngày 23/4.
- Giá mục tiêu không đổi do tác động của dự phóng EPS năm 2024-25 thấp hơn và giả định WACC thấp hơn.
- P/B hiện tại ở mức 1,15x, cao hơn so với P/B trung bình lịch sử (1,0x) đã phần nào phản ánh triển vọng tăng trưởng của công ty.
Tiêu điểm tài chính
- Lợi nhuận (LN) ròng Q1/24 tăng mạnh 140% svck, đạt 158 tỷ đồng nhờ giá thuê ngày giàn tự nâng (JU) cao hơn.
- Chi phí tài chính ròng 96 tỷ đồng (+88% svck) tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận trong Q1/24.
- Giảm dự phóng EPS 2024-25 xuống 7,0%/3,3% do dời việc đầu tư giàn khoan mới sang Q1/25 và giả định chi phí tài chính ròng cao hơn.
Luận điểm đầu tư
Ít chịu tác động bởi Aramco, TT giàn tự nâng vẫn duy trì tích cực
Kế hoạch mở rộng bị trì hoãn của Aramco đã ảnh hưởng đến nhu cầu về giàn khoan ngoài khơi, với khoảng 18 hợp đồng giàn tự nâng (3,6% tổng nguồn cung giàn tự nâng) bị hoãn lại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng con số này là không quá đáng kể trong bối cảnh nhu cầu giàn khoan toàn cầu vẫn ổn định, và sự sụt giảm này chỉ giúp xoa dịu sự căng thẳng của tình trạng thắt chặt nguồn cung giàn khoan hiện nay. Thị trường giàn tự nâng, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, vẫn rất tích cực đối với các nhà thầu khoan như PVD do sự mất cân bằng cung/cầu kéo dài.
Vietnam sẽ là thị trường đầy tiềm năng từ cuối năm 2025 trở đi
Vốn đầu tư của PetroVietnam tăng vọt (+54% svck) báo hiệu hoạt động E&P trong nước sẽ ngày càng sôi động từ 2024 trở đi. Chúng tôi thấy rằng các dự án trọng điểm đang được lên kế hoạch để mở thầu khoan trong thời gian tới, và phần lớn dự kiến bắt đầu giai đoạn khoan từ nửa cuối năm 2025, cho thấy khối lượng công việc tiềm năng lớn cho PVD tại TT trong nước ngay khi một số hợp đồng hiện tại kết thúc vào cuối năm 2025. Do đó, Việt Nam sẽ là thị trường chính của PVD từ năm 2026.
Kế hoạch đầu tư có thể bị trì hoãn sang Q1/25
Theo PVD, công ty đã hủy kế hoạch mua một giàn khoan trước đó, do quá trình kích hoạt lại mất nhiều thời gian và không đáp ứng được tiến độ khoan của khách hàng. PVD sẽ tìm kiếm một giàn khoan phù hợp khác để đầu tư, dự kiến vẫn trong năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch có thể bị chậm lại một chút do ngân sách hạn chế (90 triệu USD) và quá trình phê duyệt mất nhiều thời gian, khiến cho công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một giàn tự nâng phù hợp khác. Do đó, chúng tôi cho rằng giàn tự nâng mới sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa Q1/25, thay vì Q4/24 như kỳ vọng trước đây. Giàn khoan mới sẽ đóng góp lần lượt 14%/12% DT và LN gộp mảng khoan của công ty trong năm 2025.
Triển vọng tăng trưởng LN phần nào đã được phản ánh vào giá
P/B hiện tại là 1,2x phần nào đã phản ánh triển vọng thu nhập mạnh mẽ của PVD với mức tăng trưởng EPS năm 2024 là 71,7% svck
MBS - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN MB
TỔNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KINH BẮC - CTCP (KBC:HOSE)
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HSX: KBC)
- Q1/24, KBC ghi nhận lỗ 86 tỷ đồng do không ghi nhận doanh thu mảng cho thuê đất KCN;
- Chúng tôi dự báo LN ròng sẽ giảm 42% svck trong năm 2024 do ghi nhận doanh thu KCN giảm, tuy nhiên LN ròng sẽ tăng 26% svck vào năm 2025 với sự đóng góp của KCN Tràng Duệ 3;
- Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với KBC với giá mục tiêu 39,200 đ/CP
Q1/24 ghi nhận lỗ ròng do không ghi nhận doanh thu cho thuê đất KCN
KQKD Q1/24 của KBC không khả quan khi doanh thu đạt 152 tỷ đồng (-93% svck) và lỗ ròng 86 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty không ghi nhận doanh thu cho thuê đất KCN. Công ty còn khoảng 30 ha diện tích đất ký MOU từ năm 2023, phần diện tích này sẽ được bàn giao trong năm nay. Doanh thu mảng BĐS đạt 15 tỷ đồng (-30% svck), ghi nhận từ dự án Tràng Duệ và NOXH Nếnh.
Chúng tôi dự phóng LN ròng năm 2024 giảm 42% svck, sau đó tăng trưởng 26% svck vào năm 2025 nhờ đóng góp từ KCN Tràng Duệ 3
Năm 2024-25, chúng tôi kỳ vọng mảng cho thuê đất KCN tích cực nhờ dòng vốn FDI, qua đó giúp diện tích cho thuê đất KCN đạt 80 ha/130 ha, doanh thu đạt 3,209 tỷ đồng (-39% svck)/4,807 tỷ đồng (+50% svck). Mảng BĐS sẽ có sự tăng trưởng tốt nhờ dự án NOXH Tràng Duệ và Nếnh đang dần hoàn thiện, dự kiến đưa vào kinh doanh trong năm nay. Chúng tôi ước doanh thu mảng BĐS năm 2024-25 đạt 637 tỷ đồng (+508% svck)/778 tỷ đồng (+22% svck). Tổng hợp lại, chúng tôi dự báo doanh thu KBC có thể đạt 4,411 tỷ đồng (-21% svck)/6,187 tỷ đồng (+40% svck), lợi nhuận ròng ước đạt 1,185 tỷ đồng (-42% svck)/1,492 tỷ đồng (+26% svck) trong năm 2024-25. Dự phóng KQKD 2024 của chúng tôi dựa trên cơ sở thận trọng khi xem xét đến khả năng dự án Tràng Duệ 3 chậm tiến độ, không ghi nhận doanh thu trong năm nay mà phải đợi sang năm 2025.
Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu là 39,200 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN cho cổ phiếu KBC với định giá là 39,200 đồng/CP dựa trên phương pháp SOTP. Luận điểm đầu tư: (1) Triển vọng ngành BĐS KCN khởi sắc khi thu hút FDI sẽ tích cực hơn sau khi Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc (2) Quỹ đất thương phẩm còn lại lớn đảm bảo phát triển dài hạn (3) Dự án Tràng Duệ 3 và Tràng Cát đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào kinh doanh (4) Tình hình tài chính lành mạnh hơn sau khi thanh toán hết trái phiếu trước hạn.
Năm 2024-25, chúng tôi kỳ vọng mảng cho thuê đất KCN tích cực nhờ dòng vốn FDI, qua đó giúp diện tích cho thuê đất KCN đạt 80 ha/130 ha, doanh thu đạt 3,209 tỷ đồng (-39% svck)/4,807 tỷ đồng (+50% svck). Mảng BĐS sẽ có sự tăng trưởng tốt nhờ dự án NOXH Tràng Duệ và Nếnh đang dần hoàn thiện, dự kiến đưa vào kinh doanh trong năm nay. Chúng tôi ước doanh thu mảng BĐS năm 2024-25 đạt 637 tỷ đồng (+508% svck)/778 tỷ đồng (+22% svck). Tổng hợp lại, chúng tôi dự báo doanh thu KBC có thể đạt 4,411 tỷ đồng (-21% svck)/6,187 tỷ đồng (+40% svck), lợi nhuận ròng ước đạt 1,185 tỷ đồng (-42% svck)/1,492 tỷ đồng (+26% svck) trong năm 2024-25. Dự phóng KQKD 2024 của chúng tôi dựa trên cơ sở thận trọng khi xem xét đến khả năng dự án Tràng Duệ 3 chậm tiến độ, không ghi nhận doanh thu trong năm nay mà phải đợi sang năm 2025.
Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu là 39,200 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN cho cổ phiếu KBC với định giá là 39,200 đồng/CP dựa trên phương pháp SOTP. Luận điểm đầu tư: (1) Triển vọng ngành BĐS KCN khởi sắc khi thu hút FDI sẽ tích cực hơn sau khi Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc (2) Quỹ đất thương phẩm còn lại lớn đảm bảo phát triển dài hạn (3) Dự án Tràng Duệ 3 và Tràng Cát đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào kinh doanh (4) Tình hình tài chính lành mạnh hơn sau khi thanh toán hết trái phiếu trước hạn.