TỔNG HỢP ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ CỔ PHIẾU CỦA CÁC CTCK NGÀY 04.06.2024

  • SSI cập nhật tài liệu ĐHCĐ năm 2024 cổ phiếu KBC.
  • SSI cập nhật tài liệu ĐHCĐ năm 2024 cổ phiếu NT2. Duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu 12 tháng là 23.000 đồng/cp.
  • SSI cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu VHC. Duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu 1 năm là 78.500 đồng/cp.
  • VND cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu DGC. Hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP và nâng giá mục tiêu lên 143.600 đồng/cp.
  • VND cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu VPB. Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN và giảm giá mục tiêu xuống còn 24.700 đồng/cp.
  • VND cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu SZC. Duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP và nâng giá mục tiêu lên 42.700 đồng/cp.
  • VND cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu KBC. Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN và giảm giá mục tiêu xuống còn 37.900 đồng/cp.
  • MAS cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu KDH. Hạ khuyến nghị xuống NẮM GIỮ và nâng giá mục tiêu lên 38.974 đồng/cp.
  • MBS cập nhật & đánh giá KQKD cổ phiếu FPT. Khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 158.700 đồng/cp.
 
Dưới đây là bài tổng hợp khuyến nghị của các công ty Chứng khoán, iPro không đưa ra với mục đích khuyến nghị mua/bán. Mọi thông tin chi tiết về điểm mua/bán phù hợp xin vui lòng liên hệ Tư vấn trực tuyến của iPro.
 
Bạn có thể theo dõi thêm các thông tin của iPro qua các kênh sau:
▶️ iPro-Youtube: Tại đây
▶️ iPro-Tiktok: Tại đây
▶️ iPro-Learning by Sharing: Tại đây
 
 

SSI - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN SSI


TỔNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KINH BẮC (KBC:HOSE)

Cập nhật tài liệu ĐHCĐ năm 2024

Kế hoạch công ty năm 2024: Ban lãnh đạo KBC giữ kế hoạch năm 2024 được phê duyệt tại ĐHCĐ bất thường vào tháng 3/2024, với kế hoạch doanh thu và LNST lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (+60% svck) và 4 nghìn tỷ đồng (+78% svck).

Cổ tức: Dự kiến không chi trả cổ tức

Cập nhật dự án:
  • Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (687 ha tại Hải Phòng) vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định đầu tư.
  • Khu đô thị Phúc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (114,5 ha) đang chờ Chính quyền địa phương phê duyệt pháp lý.
  • Khu đô thị Tràng Cát (584 ha, tại Hải Phòng) trong thời gian chờ phê duyệt các thủ tục pháp lý còn lại, KBC đang triển khai san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án.
  • Ngoài ra, KBC cũng đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư tại một số KCN, cụm công nghiệp như KCN Tân Tập, Lộc Giang tại tỉnh Long An, cụm công nghiệp phụ trợ Tràng Duệ (58,7 ha tại Hải Phòng), cụm công nghiệp Tân Tập, Phước Vĩnh Đông (tại tỉnh Long An). KBC sẽ cần thêm vốn để giải phóng mặt bằng/bồi thường cho các dự án này để có đất thương phẩm cho các nhà đầu tư mới thuê.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ mới: KBC đề xuất tăng thêm vốn chủ sở hữu thông qua phát hành riêng lẻ, theo đó KBC sẽ phát hành 250 triệu cổ phiếu với mức giá tối thiểu bằng 80% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN phê duyệt phát hành riêng lẻ và không thấp hơn giá trị sổ sách/cổ phần tại báo cáo tài chính riêng của quý gần nhất tại thời điểm HĐQT KBC triển khai phương án chào bán. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để i) tăng vốn lưu động, ii) trả một phần nợ hiện tại và iii) góp vốn vào các công ty con để tăng quy mô hoạt động của KBC.

ĐHCĐ thường niên năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 19/6/2024 tại tỉnh Bắc Ninh.

Quan điểm của chúng tôi: KBC đang chờ phê duyệt tại các dự án trọng điểm như KCN Tràng Duệ 3 và Khu đô thị Tràng Cát, trong khi quỹ đất sẵn sàng cho thuê của KBC đang có hạn. Chúng tôi kỳ vọng việc phát hành riêng lẻ có thể sớm hoàn thành để hỗ trợ KBC giải phóng mặt bằng/bồi thường đất tại các dự án mà KBC đã được phê duyệt đầu tư.



CÔNG TY CỔ PHẦN ĐIỆN LỰC DẦU KHÍ NHƠN TRẠCH 2 (NT2:HOSE)

Cập nhật ĐHCĐ năm 2024

NT2 đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 29/5/2024 với một số điểm đáng chú ý như sau:

NT2 đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2024, LNTT và LNST lần lượt là 6,3 nghìn tỷ đồng (-2% svck), 76 tỷ đồng (-85% svck) và 68 tỷ đồng (-86% svck). Chúng tôi lưu ý rằng doanh thu này bao gồm khoản bồi thường lỗ tỷ giá 177 tỷ đồng (cho năm 2020, 2021 và phần còn lại của năm 2019) và thu nhập từ phí dịch vụ môi trường rừng (89 tỷ đồng) NT2 đã phải nộp trong giai đoạn 2018-2023, chưa được quy định trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện hành của công ty. Riêng đối với doanh thu phát điện, NT2 đặt kế hoạch đạt 6,1 nghìn tỷ đồng (-4% svck), với sản lượng phát điện là 3,2 tỷ kWh (+11% svck). Theo đó, chúng tôi cho rằng các kế hoạch LNTT và LNST của công ty là khá thận trọng, vì lợi nhuận thực tế từ năm 2014-2023 thường cao hơn kế hoạch đặt ra. Chúng tôi cũng lưu ý rằng kế hoạch này của công ty cũng có nghĩa là lợi nhuận trước thuế cốt lõi (không tính đến khoản bồi thường lỗ tỷ giá và phí dịch vụ môi trường rừng như đề cập ở trên) là lỗ191 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng các khoản thu nhập bất thường trên chưa chắc chắn sẽ được ghi nhận vào năm 2024 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) ban đầu giao sản lượng 1,3 tỷ kWh (-54% svck) với sản lượng hợp đồng (Qc) là 1 tỷ kWh cho năm 2024 (-69% svck), chủ yếu là do tình trạng thiếu khí ở khu vực Đông Nam Bộ cũng như việc ưu tiên huy động điện từ các nguồn điện rẻ hơn của EVN như điện than và năng lượng tái tạo. Để bám sát kế hoạch sản lượng là 3,2 tỷ kWh, NT2 dự kiến sẽ tích cực đàm phán sản lượng Qc theo tháng cũng như giá vận chuyển khí của đường ống khí Phú Mỹ – Hồ Chí Minh với các bên liên quan để nâng sản lượng Qc tổng thể cho năm 2024, đây cũng là một yếu tố hỗ trợ tăng đối với ước tính của chúng tôi. Tuy nhiên, NT2 dự kiến sẽ hòa vốn trong nửa đầu năm 2024 và ghi nhận lỗ trong Q3/2024, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Ngoài ra, tính đến tháng 5/2024, công ty đã nhận được toàn bộ khoản phải thu từ EVN liên quan đến hoạt động bán điện tính đến tháng 2/2024.

NT2 đặt mục tiêu sản lượng phát điện theo năm sẽ phục hồi lên 4 tỷ kWh từ năm 2025 trở đi, nhờ vào hợp đồng bán khí (GSA) 25 năm với PV GAS (GAS: HOSE) cho đến năm 2036. Ngoài ra, NT2 lạc quan về tình trạng thiếu khí sẽ bớt căng thẳng hơn (do nhà máy điện khí Phú Mỹ 2.2 dự kiến sẽ được bàn giao cho EVN vào năm 2025). Cụ thể, Phú Mỹ 2.2 ban đầu được phát triển theo hình thức nhà máy BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao), đòi hỏi các cam kết nguồn cung khí tự nhiên đặc biệt. Nếu việc chuyển giao thành công thì cam kết đó sẽ không còn tồn tại. Chúng tôi lưu ý giá khí hiện tại của NT2 ở mức 9,5 USD/MMBTU (tính đến tháng 4/2024), trong khi công ty cho biết giá khí LNG ở mức 12 USD/MMBTU. Do đó, NT2 có thể sẽ được hưởng lợi từ việc ưu tiên huy động điện của EVN so với các nhà máy sử dụng nhiên liệu LNG trong tương lai.

Kế hoạch chia cổ tức năm 2023 và 2024: NT2 đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2023. Trước đó, công ty đã trả đợt đầu tiên trị giá 700 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/3/2024. Đối với năm 2024, NT2 dự kiến sẽ không chia cổ tức cho năm này.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 12 tháng là 23.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi hiện dự báo LNST năm 2024 và 2025 cho NT2 lần lượt là lỗ 256 tỷ đồng và lãi 32 tỷ đồng.



CÔNG TY CỔ PHẦN VĨNH HOÀN (VHC:HOSE)

Giá bán phục hồi chậm

Luận điểm đầu tư: Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 1 năm không đổi là 78.500 đồng/cp. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận dự kiến phục hồi chậm và VHC hiện đang giao dịch ở mức P/E 2024F và 2025F lần lượt là 13x và 10x (P/E bình quân 10 năm là 10x).

Cập nhật KQKD: Trong Q1/2024, VHC công bố doanh thu thuần và NPATMI lần lượt là 2,9 nghìn tỷ đồng (+29% svck, +19% so với quý trước) và 170 tỷ đồng (-23% svck, +256% so với quý trước), phù hợp với ước tính của chúng tôi. Riêng trong tháng 4/2024, doanh thu đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (+26% svck, đi ngang so với tháng trước), trong đó, doanh thu cá tra đạt 635 tỷ đồng (+22% svck, +6% so với tháng trước). Doanh thu xuất sang Mỹ dẫn đầu sự phục hồi và đạt 411 tỷ đồng (+33% svck, +30% so với tháng trước). Các khu vực xuất khẩu khác vẫn đang phục hồi yếu cụ thể, doanh thu xuất sang Châu Âu và Trung Quốc lần lượt đạt 202 tỷ đồng (+46% svck, -23% so với tháng trước) và 53 tỷ đồng (-52% svck, -40% so với tháng trước).

Kế hoạch kinh doanh năm 2024: Trong kịch bản cơ sở, công ty đặt kế hoạch doanh thu và NPATMI lần lượt là 10,7 nghìn tỷ đồng (+7% svck) và 800 tỷ đồng (-13% svck). Trong kịch bản khả quan, công ty đặt kế hoạch doanh thu và NPATMI lần lượt là 11,5 nghìn tỷ đồng (+15% svck) và 1 nghìn tỷ đồng (+9% svck). Công ty dự kiến giá bán xuất sang Mỹ dần phục hồi theo quý cho đến cuối năm 2024 và dự kiến cải thiện mạnh từ nửa cuối năm 2024. Ước tính của chúng tôi cao hơn so với kế hoạch của công ty theo kịch bản khả quan, do chúng tôi ước tính giá bán bình quân phục hồi cao hơn kỳ vọng của công ty. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, VHC đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh ngành vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Ước tính lợi nhuận: Trong năm 2024, chúng tôi duy trì ước tính doanh thu thuần và NPATMI sẽ lần lượt đạt 11,7 nghìn tỷ đồng (+16% svck) và 1,25 nghìn tỷ đồng (+36% svck). Trong năm 2025, chúng tôi ước tính doanh thu thuần và LNST sẽ lần lượt đạt 13,4 nghìn tỷ đồng (+15% svck) và 1,7 nghìn tỷ đồng (+34% svck).

Quan điểm ngắn hạn: Chúng tôi kỳ vọng VHC sẽ có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận từ nửa cuối năm 2024 nhờ sản lượng tiêu thụ cao hơn và mức nền lợi nhuận thấp từ nửa cuối năm 2023. Chúng tôi cũng cho rằng kết quả kinh doanh của VHC sẽ phục hồi chậm so với quý trước trong cả năm 2024. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể chờ đợi mức giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn hoặc mức tăng trưởng giá bán bình quân/tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của VHC cao hơn dự kiến.

Rủi ro tăng/giảm giá: Giá cá tra cao/thấp hơn dự kiến và nhu cầu từ thị trường Mỹ mạnh/yếu hơn dự kiến.
 



VND - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VNDIRECT

CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐỨC GIANG (DGC:HOSE)

Kỳ vọng mạnh mẽ hơn vào cuối năm
  • Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống Trung lập với tiềm năng tăng giá 14,0% và tỷ suất cổ tức 3,2%. Chúng tôi nâng giá mục tiêu lên 30,2% so với giá mục tiêu cũ khi giá cổ phiếu đã tăng 40,7% kể từ báo cáo gần nhất;
  • Giá mục tiêu cao hơn do những thay đổi trong dự phóng EPS năm 2024-25 và giả định WACC;
  • P/E trượt là 16,0x, cao hơn mức P/E trung bình 5 năm là 9,9x và P/E trung bình 3 năm 10,1x với độ lệch chuẩn 0,5. Sau khi điều chỉnh dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024-25 và thay đổi thời điểm định giá đến giữa năm 2024, chúng tôi cho rằng đợt phục hồi gần đây đã phần nào phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng giá của DGC.

Điểm nhấn tài chính 
  • Doanh thu (DT) Q1/24 giảm 4,0% svck và 0,1% sv quý trước, xuống 2.385 tỷ đồng. Biên LN gộp Q1/24 giảm 3,7 điểm % svck/0,7 điểm % sv quý trước do giá bán trung bình giảm và chi phí khấu hao tăng nhẹ.
  • Các khoản phải trả ngắn hạn khác giảm đáng kể sau khi DGC trả cổ tức bằng tiền mặt 30% mệnh giá năm 2023 và hoàn thành 50% nghĩa vụ nợ năm 2024;
  • Chúng tôi dự phóng DT thuần năm 2024/25 sẽ tăng 5,0%/21,3% svck và EPS tăng 3,6%/21,8% nhờ nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm hạ nguồn.

Luận điểm đầu tư

Phục hồi không tốt như kỳ vọng


Trong Q1/24, giá phosphor vàng (P4) toàn cầu thấp hơn 8% sv kỳ vọng của chúng tôi khi doanh thu bán dẫn toàn cầu hồi phục nhưng chưa thực sự phản ánh vào giá P4. Giá bán và sản lượng bán các sản phẩm hóa chất phosphor đều thấp hơn kỳ vọng, do đó LN ròng Q1/24 chỉ hoàn thành 16,5% dự phóng cả năm của chúng tôi.

Giá bán các sản phẩm hóa chất phosphor kỳ vọng cải thiện từ nửa cuối năm 2024

Theo WSTS, doanh thu bán bán dẫn toàn cầu cải thiện 15,2% svck trong Q1/24. Ngoài ra, một loạt các nhà máy pin mới sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024-25 sẽ thúc đẩy nhu cầu P4. Do đó, chúng tôi kỳ vọng giá bán các sản phẩm hóa chất phosphor sẽ tích cực hơn kể từ nửa cuối năm 2024.

Dự án Xút Nghi Sơn kỳ vọng ghi nhận doanh thu vào năm 2025

Chúng tôi kỳ vọng dự án Xút Nghi Sơn có thể hoạt động tối đã công suất vào Q4/25, sản xuất được 25.000 tấn xút và đóng góp 600 tỷ đồng vào doanh thu năm 2025. Chúng tôi kỳ vọng dự án có thể mang lại 1.200 tỷ đồng doanh thu cho các năm tiếp theo khi hoạt động tối đa công suất, và biên LN gộp dự khiếm đạt 27% (~ biên LN gộp của CSV).

Giá cổ phiếu hưởng lợi từ làn sóng đầu tư vào ngành bán dẫn tại Việt Nam, và mức giá gần đây phần nào phản ánh đầy đủ triển vọng một năm tới của DGC

Giá cổ phiếu DGC tăng 38,2% kể từ đầu năm, vượt trội so với mức tăng của VNINDEX (+10,8%), nhờ việc đẩy mạnh đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng triển vọng của DGC sẽ đến nhiều hơn từ sự phục hồi của nhu cầu bán dẫn toàn cầu hơ là các dự án mới được công bố gần đây. Sau khi chuyển thời điểm định giá vào giữa năm 2024, chúng tôi cho rằng đợt tăng giá gần đây phần nào phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng giá của DGC trong vòng một năm tới.
 


NGÂN HÀNG TMCP VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG (VPB:HOSE)

Thu nhập tăng trưởng, chất lượng tài sản dần phục hồi
  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả Quan với tiềm năng tăng giá 31,7%. Chúng tôi giảm giá mục tiêu 8,4% kể từ báo cáo trước đó của chúng tôi
  • Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi giá mục tiêu của chúng tôi là giảm dự phóng thu nhập từ xử lý nợ xấu thấp và giảm NIM dự phóng
  • Giá cổ phiếu VPB đã giảm gần 14% kể từ đỉnh vào tháng 10/2023. P/B hiện tại là 1,1 lần, thấp hơn so với trung bình ngành và đã phản ánh những khó khăn gần đây nhưng chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng dài hạn

Tiêu điểm tài chính 
  • LNTT Q1/24 tăng mạnh 64% svck (+54% sv quý trước) lên 4.182 tỷ đồng nhờ chi phí tín dụng thấp hơn và mức nền thấp trong Q1/23.
  • Tỷ lệ nợ xấu của NH mẹ tăng 11 điểm cơ bản sv quý trước (-11 điểm cơ bản svck) lên 3,3% và tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 161 điểm cơ bản sv quý trước, cho thấy chất lượng tài sản phục hồi chậm hơn dự kiến.
  • Chúng tôi kỳ vọng ROE năm 2024 sẽ cải thiện lên 10% nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng thấp hơn so với năm ngoái.

Luận điểm đầu tư

Tiêu dùng phục hồi chậm đã ảnh hưởng tới KQKD trong Q1/24


Sự phục hồi chậm chạp của thu nhập cá nhân và nhu cầu tiêu dùng trong Q1/24 đã ảnh hưởng đến KQKD của VPB. Cụ thể, NIM giảm còn 5,52% (-73 điểm cơ bản svck; giảm 6 điểm cơ bản so với quý trước). Thu nhập ngoài lãi giảm 26,1% svck năm trước (giảm 9% so với quý trước), và tỷ lệ hình thành nợ xấu (NPL) và nợ nhóm 2 tăng (+141 điểm cơ bản so với quý trước và 9 điểm cơ bản svck).

Tăng cường cho vay FDI thông qua hợp tác với SMBC

Mặt tích cực là TOI tiếp tục tăng trưởng trong Q1/24 (+85% svck; +0,6% sv quý trước). Đây là do tín dụng tăng 2,1% sv đầu năm, phần nào giảm bớt tác động từ NIM thu hẹp và thu nhập ngoài lãi giảm. Chúng tôi cho rằng VPB có thể tiếp tục mở rộng cho vay nhắm đến tệp khách hàng FDI nhờ sự trợ giúp từ đối tác SMBC.

Tiêu dùng phục hồi từ Q3/24 sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng phục hồi rõ ràng hơn từ Q3/24 trở đi, trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 9,5% svck. Điều này sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng của VPB đạt 21%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của ngành là 15%, thúc đẩy TOI tăng 14% trong 2024.

FE Credit tái cấu trúc thành công sẽ thúc đẩy ROE cải thiện trong dài hạn

Chúng tôi kỳ vọng ROE sẽ tăng từ 10% trong năm 2023 lên 17% trong năm 2026, được thúc đẩy bởi việc FE Credit có lãi trở lại. Quá trình tái cấu trúc của FEC đã có những tín hiệu tích cực khi công ty chuyển sang khách hàng có lịch sử tín dụng tốt. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm, cho thấy các vấn đề tín dụng nghiêm trọng nhất đã kết thúc. Chúng tôi dự kiến FEC sẽ ghi nhận lỗ trong năm nay do lỗ trong Q1/24, nhưng kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng cải thiện sẽ thúc đẩy lợi nhuận vào năm 2025.
 


CÔNG TY CỔ PHẦN SONADEZI CHÂU ĐỨC (SZC:HOSE)

Đón sóng FDI vào Bà Rịa – Vũng Tàu 
  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP với tiềm năng tăng giá 0,5% và tỷ suất cổ tức 2,3%. Chúng tôi đã nâng giá mục tiêu 5,4% trong khi giá cổ phiếu đã tăng 16,0% và số lượng cổ phiếu phát hành tăng 50% kể từ báo cáo gần nhất.
  • Giá mục tiêu thay đổi chủ yếu do điều chỉnh giả định WACC và công ty phát hành thêm cổ phiếu trong Q1/24.
  • P/E trượt 12T là 25,6x, cao hơn so với trung vị các công ty cùng ngành là 17,8x.

Điểm nhấn tài chính 
  • Doanh thu (DT) Q1/24 tăng mạnh 238,4% svck, lợi nhuận (LN) ròng gấp 5,5x sv mức nền thấp tại Q1/23.
  • Biên LN gộp Q1/24 giảm 8,2 điểm % svck do DT mảng BĐS nhà ở (mảng có biên LN gộp cao nhất) giảm -89,3% svck.
  • Chúng tôi hạ dự phóng LN ròng năm 2024-25 xuống 29,1%/26,7% sv dự phóng trước đó do tiến độ bàn giao BĐS dân cư chậm hơn dự kiến.

Luận điểm đầu tư

Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ

Trong 5T2024, BR-VT ghi nhận 1,52 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, đứng đầu cả nước về thu hút FDI với những dự án nổi bật như: nhà máy Bio-BDO của Hyosung (730 triệu USD), nhà máy Electronic Tripod Vietnam (250 triệu USD) và nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam (275 triệu USD). Chúng tôi cho rằng những kết quả ấn tượng này đền từ: 1) hạ tầng giao thông Br-VT ngày càng được cải thiện; và 2) trung bình giá thuê KCN tại BR-VT thấp hơn sv các thị trường cấp 1.

KCN Châu Đức có thể hưởng lợi từ làn sóng FDI vào BR-VT

Chúng tôi cho rằng tỷ lệ lấp đầy của KCN Châu Đức sẽ tiếp tục tăng như kỳ vọng, nhờ: 1) sở hữu 38% tổng diện tích đất KCN cho thuê còn lại của BR-VT; 2) giá thuê cạnh tranh so với cả thị trường cấp 1 và giá bình quân tại BR-VT; 3) vị trí đắc địa gần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng Cái Mép - Thị Vải và Sân bay Quốc tế Long Thành. Do đó, chúng tôi kỳ vọng DT BĐS KCN tăng 28,3%/21,1% svck trong năm 2024-25.

Mảng BĐS dân cư vẫn đang chờ những vướng mắc pháp lý được giải quyết

Tiến độ bàn giao dự án Sonadezi Hữu Phước chậm hơn dự kiến do những khó khăn về pháp lý. Chúng tôi ước tính chỉ khoảng 20 căn shophouse giai đoạn 1 được bàn giao trong năm 2022-23 và không có căn nào được bàn giao trong Q1/24. Do đó, chúng tôi hạ dự phóng DT từ BĐS dân cư trong năm 2024/25 lần lượt 74,9%/61,8% sv dự phóng trước đó, đạt 117 tỷ đồng/263 tỷ đồng (tăng 61,3%/125,1% svck).
 


TỔNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ KINH BẮC - CTCP (KBC:HOSE)

Hướng về thành phố Hoa phượng đỏ
  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan với tiềm năng tăng giá 20,7% và giá mục tiêu thấp hơn 5,2% khi giá cổ phiếu gần như không thay đổi kể từ báo cáo trước.
  • Nguyên nhân giá mục tiêu thấp hơn do 1) KCN Tràng Duệ 3 có tiến độ chậm hơn sv dự kiến làm giảm định giá DCF của dự án và 2) giá trị sổ sách thấp hơn trong Q1/24.
  • Hệ số P/B hiện tại là 1,3x thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành KCN trong nước (3,2x), thấp hơn hệ số P/B trung bình 3 năm qua là 1,5x.

Điểm nhấn tài chính 
  • KBC đã chi gần 3.900 tỷ đồng để chi trả toàn bộ trái phiếu trong năm 2023, giảm tỷ lệ D/E xuống còn 0,2x sv mức 0,4x vào cuối năm 2022.
  • Chúng tôi dự phóng LN ròng tăng nhẹ 5,1% svck lên 2.059 tỷ đồng trong năm 2024.
  • Thay vào đó, chúng tôi cho rằng LN ròng sẽ tăng mạnh trong năm 2025-26 (15,4%/60% svck), nhờ doanh thu tăng mạnh 27,6%/48,0% svck khi các dự án trọng điểm đến giai đoạn hoàn thiện và bàn giao.

Luận điểm đầu tư

Việc không ghi nhận doanh thu KCN trong Q1/24 sẽ chỉ là tạm thời...


Trong Q1/2024, KBC không ghi nhận DT từ việc cho thuê KCN. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng kết quả kém khả quan trong Q1/24 sẽ không kéo dài do KBC sở hữu đất KCN sẵn sàng cho thuê, cùng các dự án sắp hoàn tất thủ tục pháp lý trong năm 2024. DT KCN của KBC được kỳ vọng phục hồi trong ba quý cuối năm 2024.

... nhờ lượng backlog lớn của các dự án hiện tại

KBC hiện sở hữu đất KCN sẵn sàng cho thuê đang chờ xử lý, cùng các dự án sắp hoàn tất thủ tục pháp lý trong năm 2024. Chúng tôi ước tính KBC sẽ cho thuê 157 ha KCN trong năm 2024, tương ứng với DT 5.422 tỷ đồng, chủ yếu đến từ: KCN Nam Sơn – Hợp Lĩnh, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung; Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Long An, đặc biệt kể đến KCN Tràng Duệ 3.

Lượng FDI dồi dào đổ vào Hải Phòng sẽ thúc đẩy triển vọng của Tràng Duệ 3 trong năm 2024-25

KCN Tràng Duệ được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho KBC trong giai đoạn 2024-25. Niềm tin này được củng cố bởi sự gia tăng mạnh mẽ 49% svck lượng vốn FDI đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam trong 4T24, đạt 850 triệu USD. Nổi bật trong bức tranh này là Hải Phòng, thu hút gần một nửa nguồn vốn FDI này. Lượng vốn dồi dào đổ vào được đánh giá là tín hiệu tích cực cho triển vọng của KCN Tràng Duệ 3, đặc biệt khi khu vực này đã có sự hiện diện đông đảo của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ 1 và 2.

Tràng Cát mở bán vào nửa cuối năm 2025 sẽ thúc đẩy DT mảng BĐS nhà ở

KBC đã nhận được phê duyệt quy hoạch sửa đổi 1/2000 của dự án Tràng Cát vào cuối 2023. Cùng với khoản đặt cọc 5.650 tỷ đồng, đây là những tín hiệu tích cực củng cố niềm tin của chúng tôi vào triển vọng tiến độ pháp lý của dự án. Chúng tôi cho rằng Tràng Cát sẽ chính thức ra mắt thị trường vào nửa cuối năm 2025. Dự án này sẽ thúc đẩy doanh thu BĐS nhà ở tăng đáng kể, lần lượt là 250%/60% svck trong năm 2025-26.
 


MAS - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN MIREA ASSET (VIỆT NAM)

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH NHÀ KHANG ĐIỀN (KDH:HOSE)

Privia là nguồn thu chính trong 2024

KQKD 2023
  • CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) báo cáo doanh thu năm 2023 là 2.088 tỷ đồng (-28,3% YoY) và LNST là 730 tỷ đồng (-32,6% YoY), trong đó doanh thu từ Classia đóng góp phần lớn thu nhập của công ty.
  • Cập nhật 1Q24: Công ty báo cáo doanh thu 1Q24 đạt 334 tỷ đồng (-21,4% YoY) và LNST đạt 63 tỷ đồng (-68,0% YoY).

Triển vọng 2024, Rủi ro & Định giá

Triển vọng: 
  • Chúng tôi dự báo doanh thu hợp nhất đạt 3.822 tỷ đồng (+83,0% YoY) và LNST đạt 1.322 tỷ đồng (+82,7% YoY). Phần lớn doanh thu và thu nhập (90%–95%) sẽ đến từ việc bàn giao Privia, dự kiến vào quý 4 năm 24. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã bán hết 100% số lượng pre-sales của Privia. Chúng tôi kỳ vọng KDH sẽ bàn giao ít nhất 90% tổng số căn hộ của Privia trong quý 4 năm 24.
  • Pre-sales trong 2024 sẽ khá khó khăn vì không có dự án nào ra mắt kể từ quý 1 năm nay. Chúng tôi kỳ vọng Clarita và Emeria sẽ bắt đầu ghi nhận pre-sales vào quý 4 năm 2024.

Rủi ro 
  • Vốn chủ sở hữu đã được củng cố nhờ một thỏa thuận phát hành riêng lẻ trịgiá 3.000 tỷđồng vào tháng 3, số vốn này sẽ được sử dụng để trả nợ đáo hạn trong năm tài chính 24&25. Thỏa thuận này nhằm duy trì cơ cấu tài chính ổn định của công ty và giảm tỷ lệ nợ. Với 27.250 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu cho đợt phát hành riêng lẻ này không thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại, vì vậy mức độ pha loãng là chấp nhận được, do lợi ích được cân bằng giữa cổ đông cũ và mới.

Định giá
  • Chúng tôi đã áp dụng phương pháp định giá RNAV cho Privia, Emeria và Clarita và phương pháp so sánh cho các dự án khác. Chúng tôi hạ xếp hạng xuống Nắm giữ đối với KDH (từ Tăng tỷ trọng) và nâng giá mục tiêu lên 38.974 đồng (từ 34.052 đồng).
 



MBS - CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN MB

CÔNG TY CỔ PHẦN FPT (FPT:HOSE)
  • Doanh thu (DT) và lợi nhuận 4T/24 tăng lần lượt 20.6% và 21.6% nhờ đóng góp cao hơn từ mảng công nghệ.
  • Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng tăng trưởng 20.2%/17.3% svck trong 2024 -25 khi chi tiêu về CNTT toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh.
  • Chúng tôi khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 158,700 đồng/cp

KQKD 4T/2024: tăng trưởng vững chắc nhờ mảng công nghệ

Doanh thu thuần của FPT tăng 20.6% svck lên 18,989 tỷ đồng trong 4T/2024 nhờ đóng góp cao hơn từ mảng công nghệ. Mảng công nghệ trong 4T/2024 tăng 25.1% svck, đạt 11,455 tỷ đồng nhờ tăng trưởng DT mạnh mẽ từ thị trường Nhật Bản (+34.3% svck) và châu Á – Thái Bình Dương (+31.6% svck). Doanh thu của hai mảng còn lại là viễn thông và giáo dục & khác trong 4T/2024 cũng ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng trưởng lần lượt là 6.1% và 41.7% svck. Do đó, lợi nhuận (LN) ròng 4T/2024 tăng 21.6% svck lên 2,455 tỷ đồng.

Mảng công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng chính của FPT trong 2024

Chúng tôi kỳ vọng DT mảng công nghệ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số trong 2024/25 nhờ (1) doanh thu ký mới tăng trưởng ổn định và (2) chi tiêu cho CNTT toàn cầu dự kiến tăng trưởng 8,7% trong 2024. Cụ thể, chúng tôi dự báo DT mảng công nghệ của FPT đạt 38,705 tỷ đồng/47,644 tỷ đồng (+23,1%/23,0% svck) trong năm 2024/25. Chúng tôi cho rằng biên LN gộp của FPT sẽ tiếp tục cải thiện nhờ đẩy mạnh mảng chuyển đổi số (Dx) với biên LN cao trong mảng công nghệ. Trong năm 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu Dx sẽ đạt 13,553 tỷ đồng (+30.0% svck), đóng góp 35,0% doanh thu mảng công nghệ và 21.6% tổng doanh thu của FPT. Từ đó, chúng tôi kỳ vọng biên LN gộp của FPT sẽ tăng 0.3 điểm % lên 38.9% trong năm 2024.

Khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 158,700 đồng/cp

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 156.500 đồng/cp. Định giá của chúng tôi dựa trên phương pháp tổng giá trị các thành phần (SOTP) dựa trên P/E cho ba mảng kinh doanh chính của công ty. Chúng tôi áp dụng mức P/E trung bình năm 2024 của 3 mảng tương ứng với từng phân khúc với mức chiết khấu 15% trên P/E trung bình của các công ty cùng ngành công nghệ và viễn thông do chênh lệch về lãi suất giữa Việt Nam và các quốc gia được theo dõi khác.

Tiềm năng tăng giá và rủi ro giảm giá

Tiềm năng tăng giá bao gồm thỏa thuận M&A thành công với các công ty công nghệ nước ngoài và doanh thu dịch vụ CNTT ký mới cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty viễn thông tích hợp cung cấp cả dịch vụ băng thông rộng có dây và di động trong thời đại phát triển công nghệ mạng 5G.
 

Luận điểm đầu tư & Khuyến nghị

Luận điểm đầu tư 
  • Doanh thu mảng công nghệ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số trong 2024/25 nhờ (1) doanh thu ký mới tăng trưởng ổn định và (2) chi tiêu cho CNTT toàn cầu dự kiến tăng trưởng mạnh trong 2024
  • Doanh thu mảng giáo dục sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 32.4%/34% svck trong 2024/25 nhờ tiếp tục mở rộng vùng phủ hệ thống trường phổ thông liên cấp tại các tỉnh thành của Viêt Nam và thành lập thêm các khoa về AI tại trường đại học
  • Chúng tôi đánh giá việc hợp tác với NVIDIA - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI generative đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.
  • Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng 2024/25 của FPT tăng trưởng 20.2%/17.3% svck.

Định giá

Chúng tôi giữ vững quan điểm tích cực về triển vọng năm 2024/25 của FPT và duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu dựa trên phướng pháp định giá SOTP là 158,700 đồng/cp cho năm 2024. Việc định giá của chúng tôi dựa trên phương pháp định giá từng phần, với P/E mục tiêu cho ba mảng kinh doanh chính. Chúng tôi áp dụng mức P/E trung bình năm 2024 của 3 mảng tương ứng với từng phân khúc với mức chiết khấu 15% trên P/E trung bình của các công ty cùng ngành công nghệ và viễn thông do chênh lệch về lãi suất giữa Việt Nam và các quốc gia được theo dõi khác. Chúng tôi áp dụng trên mức trung bình lợi nhuận ròng năm 2024/25 cho mỗi mảng hoạt động nhằm thể hiện mức giá mục tiêu trong tầm nhìn 1 năm.
 

Rủi ro đầu tư 
  • Cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ Ấn Độ ở thị trường nước ngoài và từ các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước trong mảng viễn thông. Trên thị trường toàn cầu, Ấn Độ là điểm đến gia công phần mềm CNTT đầu tiên cho các doanh nghiệp do Ấn Độ có một ngành công nghiệp phần mềm lâu đời với một số lượng lớn các chuyên gia CNTT lành nghề. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục là điểm đến yêu thích của các dịch vụ CNTT. Chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh từ các đối thủ Ấn Độ là thách thức lớn đối với FPT về khả năng giành thị phần toàn cầu.
  • Thiếu hụt nhân sự CNTT và tăng chi phí nhân công cũng là những rủi ro tiềm ẩn đối với FPT. Chúng tôi cho rằng điều này có thể ảnh hưởng một phần đến FPT do mảng dịch vụ CNTT thâm dụng lao động. Do đó chi phí nhân công tăng đáng kể có thể ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của công ty.

Tiềm năng tăng giá

FPT đang tập trung vào M&A để mở rộng thương hiệu và cơ sở khách hàng ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh chuyển đổi số một cách rộng rãi, mang lại tiềm năng to lớn cho công ty. Chúng tôi cho rằng các thương vụ M&A thành công sẽ giúp FPT gia tăng thị phần tại nước sở tại.