Chào bạn,

Biểu đồ (đồ thị) giá của cổ phiếu/thị trường được xem như tấm bản đồ giúp một chuyên gia giao dịch Chứng khoán nhìn thấy được con đường mà cổ phiếu/thị trường đã diễn ra trong quá khứ, biết được ở thời điểm hiện tại cổ phiếu/thị trường đang ở vị trí nào và có những biểu hiện gì để hành động.

Dưới đây là bài chia sẻ của iPro về 3 loại biểu đồ (đồ thị) phổ biến và có tính ứng dụng cao khi sử dụng để phân tích cổ phiếu/thị trường của các chuyên gia giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

4 MỨC GIÁ QUAN TRỌNG

Mỗi ngày giao dịch cổ phiếu/thị trường sẽ biến động với nhiều mức giá khác nhau, nhưng có 4 mức giá quan trọng mà một nhà giao dịch Chứng khoán sẽ quan tâm gồm:

  • Giá mở cửa (O: Open price): Đây là mức giá phản ánh các thông tin, tâm lý và trạng thái tài khoản của nhà đầu tư trước khi bước vào phiên giao dịch.
  • Giá thấp nhất trong phiên (L: Low price): Đây là mức giá thể hiện áp lực bán mạnh nhất trong phiên giao dịch.
  • Giá cao nhất trong phiên (H: Hight price): Đây là mức giá thể hiện lực mua mạnh nhất trong phiên giao dịch.
  • Giá đóng cửa (C: Close price): Đây là mức giá kết thúc phiên giao dịch và sẽ tác động tới tâm lý, trạng thái tài khoản của nhà đầu tư vào phiên giao dịch kế tiếp.
 


Và từ các mức giá này sẽ tạo nên các loại biểu đồ giá khác nhau và dưới đây là 3 loại biểu đồ dễ sử dụng, có tính ứng dụng cao và rất thịnh hành trên thị trường Chứng khoán Việt Nam:

  • Biểu đồ đường thẳng (Line chart)
  • Biểu đồ nến nhật (Candlestick chart)
  • Biểu đồ thanh (Bar chart)
 



CẤU TẠO VÀ Ý NGHĨA CỦA 3 LOẠI BIỂU ĐỒ

Biểu đồ đường thẳng (Line Chart)

 


Trong 4 mức giá trên, nếu chỉ lấy mức giá đóng cửa (C) các phiên giao dịch và kết nối chúng với nhau sẽ tạo thành biểu đồ đường thẳng. Hay nói cách khác, cấu tạo của biểu đồ đường thẳng là sự kết nối các giá đóng cửa (C) của các phiên giao dịch lại với nhau.

Lấy ví dụ về biểu đồ đường thẳng của cổ phiếu FPT từ đầu năm 2023 tới ngày 15/11/2023 dưới đây được tạo thành bằng việc kết nối giá đóng cửa của các ngày giao dịch trong thời gian đó.


Biểu đồ này thường được sử dụng cho mục đích xem tổng quan về xu hướng trung và dài hạn của cổ phiếu/thị trường nên nó phù hợp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn hơn là các nhà giao dịch ngắn hạn.
 
Hạn chế của biểu đồ đường thẳng (line chart) chính là không sử dụng được cho việc phân tích cổ phiếu/thị trường trong ngắn hạn. Với cấu tạo chỉ thể hiện mức giá đóng cửa, còn các mức giá còn lại như giá mở cửa, giá thấp nhất và giá cao nhất lại không được đưa vào nên sẽ bỏ qua những biểu hiện quan trọng của bên mua và bên bán trong từng phiên giao dịch hoặc một vùng giao dịch, mà chính biểu hiện của những vùng giao dịch đó lại cần được quan sát kỹ để nhận diện được vùng tạo đáy/tạo đỉnh/tiếp nối xu hướng.


Biểu đồ Nến Nhật (Candlestick Chart)

Đây là biểu đồ được sử dụng nhiều nhất và hiệu quả nhất đối với các chuyên gia giao dịch Chứng khoán. Biểu đồ nến nhật được cấu tạo bởi 4 mức giá gồm giá mở cửa (O), giá thấp nhất (L), giá cao nhất (H) và giá đóng cửa (C). Với tính ưu việt của loại biểu đồ này nên iPro có đưa chủ đề này vào các video đào tạo thực chiến giao dịch Chứng khoán trên kênh Youtube. Để có thể nắm vững và ứng dụng công cụ nến nhật vào quá trình phân tích nhận diện các mô hình nến tạo đáy/tạo đỉnh/tiếp nối xu hướng hoặc xây dựng phương pháp giao dịch T+, các bạn có thể học bài bản tại kênh Youtube của iPro Tại đây.
 
Một số tên gọi trong cấu tạo của nến nhật:
 
  • Thân nến: là khoảng cách giữa giá đóng cửa và mở cửa.
  • Bóng nến dưới/Chân nến: là khoảng cách giữa giá thấp nhất tới min (giá đóng cửa, giá mở cửa).
  • Bóng nến trên/râu nến: là khoảng cách giữa giá cao nhất tới max (giá đóng cửa, giá mở cửa).
  • Nến đỏ: là nến có giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch liền trước.
  • Nến xanh: là nến có giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước.
  • Nến đặc: là nến có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa của phiên giao dịch đó.
  • Nến rỗng: là nến có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa của phiên giao dịch đó.
  • Nến cân bằng: là nến có giá đóng cửa và mở cửa của phiên giao dịch bằng nhau hoặc gần bằng nhau.

 5 loại nến nhật cốt lõi

Có rất nhiều nến nhật với nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên sau quá trình nghiên cứu và hiểu về bản chất cấu tạo của nến nhật, iPro đúc kết lại chỉ có 5 loại cốt lõi dưới đây
 



1. Nến xanh rỗng:
 

  • Xanh là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (C > C-1).
  • Rỗng là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa của chính phiên giao dịch đó (C > O).
  • Cây nến này nếu có thân nến lớn sẽ cho thấy lực mua chiếm ưu thế vượt trội so với phiên trước đó và so với trong phiên giao dịch. Nó thường xuất hiện để xác nhận điểm đảo chiều tại vùng đáy hoặc những đợt bùng nổ tăng mạnh của cổ phiếu/thị trường.

2. Nến xanh đặc:
 
  • Xanh là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (C > C-1).
  • Đặc là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa của chính phiên giao dịch đó (C < O).
  • Đây là cây nến cảnh báo về lực bán đã chiếm ưu thế khi kết thúc phiên giao dịch và nhà giao dịch sẽ chú ý quan sát ở những phiên kế tiếp để xem áp lực bán có ngày càng mạnh dần lên hay không.

3. Nến đỏ đặc
 
  • Đỏ là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (C < C-1).
  • Đặc là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa của chính phiên giao dịch đó (C < O).
  • Thân nến càng lớn thể hiện áp lực bán càng mạnh và bên bán chiếm ưu thế hoàn toàn. Nó thường xuất hiện để xác nhận điểm đảo chiều tại vùng đỉnh hoặc những đợt bán tháo mạnh của cổ phiếu/thị trường.

4. Nến đỏ rỗng
 
  • Đỏ là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (C < O).
  • Rỗng là biểu hiện cho cổ phiếu/thị trường có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa của chính phiên giao dịch đó (C > O).
  • Đây là cây nến báo hiệu về lực mua đã chiếm ưu thế khi kết thúc phiên giao dịch và nhà giao dịch sẽ chú ý quan sát ở những phiên kế tiếp để xem lực mua có ngày càng mạnh dần lên hay không.

5. Nến cân bằng
 
  • Cây nến này có giá đóng cửa và mở cửa bằng nhau (C ~ O) hoặc gần bằng nhau (C = O) và có 4 loại thịnh hành gồm:
    • Nến cân bằng có bóng trên dài.
    • Nến cân bằng có bóng dưới dài.
    • Nến doji có giá mở cửa bằng đóng cửa.
    • Nến spinning top (đỉnh xoay vòng) có giá đóng cửa và mở cửa gần bằng nhau và gần bằng với giá cao nhất và thấp nhất.
  • Nó thể hiện sự giằng co, cân bằng giữa bên mua và bên bán trong phiên giao dịch, thường các nhà giao dịch sẽ kết hợp các cây nến câng bằng với 4 cây nến xanh rỗng/xanh đặc/đỏ đặc/đỏ rỗng và đặt sự kết hợp đó trong một xu hướng tăng/giảm sẽ cho các tín hiệu rõ ràng hơn.

Biểu đồ thanh (Bar Chart)
 


Tương tự như biểu đồ nến nhật, biểu đồ thanh (bar chart) được cấu tạo bởi 4 mức giá gồm giá mở cửa (O), giá thấp nhất (L), giá cao nhất (H) và giá đóng cửa (C). Có 2 loại cơ bản là màu xanh thể hiện giá đóng cửa cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch trước và màu đỏ khi giá đóng cửa thấp hơn giá đóng cửa phiên giao dịch trước.

Về mặt bản chất thì biểu đồ này giống với biểu đồ nến nhật nhưng do thói quen và do hình dạng của biểu đồ nến nhật dễ sử dụng hơn nên đa số nhà giao dịch vẫn lựa chọn biểu đồ nến nhật để phân tích cổ phiếu/thị trường.

Biểu đồ này chủ yếu được các nhà giao dịch Chứng khoán sử dụng để phân tích và nhận diện sóng Elliott của thị trường.

 


CÁCH XEM CÁC LOẠI BIỂU ĐỒ

Cách xem biểu đồ trên nền tảng Online
  • Hầu hết ở các bảng giá của các công ty Chứng khoán khi bạn click chọn vào 1 mã cổ phiếu bất kỳ đều sẽ hiện ra biểu đồ giá của cổ phiếu đó.
  • Bạn có thể gõ mã cổ phiếu mà bạn muốn xem để thay thế cho cổ phiếu ban đầu và chọn biểu đồ đường thẳng (line chart)/biểu đồ nến Hollow (candlestick chart với đủ 5 loại nến như chia sẻ trên, còn nếu bạn chọn Biểu đồ nến thì chỉ có dạng nến xanh đặc và đỏ đặc)/biểu đồ Hình thanh (bar chart) để xem loại biểu đồ mà bạn muốn.
 


Cách xem biểu đồ trên phần mềm Amibroker
  • Amibroker là phần mềm chuyên dụng cho những nhà giao dịch chứng khoán theo phân tích kỹ thuật, nếu bạn chưa biết cách cài đặt và sử dụng phần mềm này, bạn có thể liện hệ với iPro Tại đây hoặc chat trực tiếp với iPro qua zalo số 0898993194.
  • Với phần mềm Amibroker, bạn vào View --> chọn Price chart style --> chọn Line/Candlesticks/Bars để xem loại biểu đồ mà bạn muốn.
 

KẾT LUẬN

Các loại biểu đồ trên chỉ thể hiện được các loại giá của cổ phiếu/thị trường, trong phân tích kỹ thuật bạn cần kết hợp với khối lượng giao dịch để khi sử dụng các loại biểu đồ phân tích cổ phiếu/thị trường sẽ có độ tin cậy cao hơn.

Trong 3 loại biểu đồ trên, biểu đồ nến nhật (candlestick chart) được sử dụng thịnh hành và hiệu quả nhất cho nhà giao dịch Chứng khoán.
Với tính ưu việt của loại biểu đồ này nên iPro có đưa chủ đề này vào các video đào tạo thực chiến giao dịch Chứng khoán trên kênh Youtube. Để có thể nắm vững và ứng dụng công cụ nến nhật vào quá trình phân tích nhận diện các mô hình nến tạo đáy/tạo đỉnh/tiếp nối xu hướng hoặc xây dựng phương pháp giao dịch T+, các bạn có thể học bài bản tại kênh Youtube của iPro Tại đây.

Chúc bạn sẽ từng bước vững vàng trên hành trình trở thành một chuyên gia giao dịch Chứng khoán chuyên nghiệp và iPro rất vui được đồng hành cùng bạn trên hành trình này. Bạn có thể nhận các thông tin mới nhất của iPro thông qua room zalo Learning by Sharing Tại đây.
 
Bạn có thể theo dõi thêm các thông tin của iPro qua các kênh sau:
▶️ iPro-Learning by Sharing (room zalo để nhận thông tin mới nhất của iPro)Tại đây
▶️ iPro-Youtube (các video chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm thực chiến)Tại đây
▶️ iPro-Tiktok: Tại đây